Núi lửa Marapi ở Indonesia phun trào vào ngày 14/1. (Ảnh: AP)
Đợt phun trào này diễn ra 6 tuần sau đợt phun trào của núi lửa Marapi vào đầu tháng 12/2023, khiến 23 người thiệt mạng.
Theo Cơ quan Địa chất Indonesia, núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra đã phun trào ít nhất 2 lần trong ngày 14/1, cột tro bụi bốc cao tới 1.300 mét, hướng về khu vực Tây Nam đỉnh núi lửa.
Nhà chức trách địa phương yêu cầu người dân sinh sống trong phạm vi bán kính 4,5 km xung quanh miệng núi lửa phải sơ tán do dung nham có thể chảy tràn xuống các dòng sông và thung lũng. Trong trường hợp có mưa tro bụi, người dân cần đeo khẩu trang để đề phòng các bệnh hô hấp.
Chính quyền địa phương đã lập các trạm y tế, phân phát khẩu trang miễn phí.
Tuần trước, nhà chức trách Indonesia đã nâng cảnh báo nguy cơ núi lửa Marapi phun trào lên mức cao thứ 2 sau khi hoạt động núi lửa gia tăng.
Núi lửa Marapi đã phun trào ít nhất 2 lần trong ngày 14/1. (Ảnh: AP)
Trước đó, vào ngày 4/12/2023, núi lửa Marapi đã phun trào với cột tro bụi bốc cao tới 3.000 mét, cao hơn chính độ cao của núi lửa này, khiến 23 người leo núi thiệt mạng.
Báo The Guardian dẫn thông tin từ lực lượng cứu hộ cho biết, họ đã tìm cách sơ tán những người leo núi khi núi lửa Merapi có dấu hiệu phun trào. Tuy nhiên, trong số 75 người leo núi, có 26 người không thể sơ tán, trong đó 12 người vẫn còn mất tích, 14 người được tìm thấy nhưng chỉ có 3 người sống sót, còn 11 người đã thiệt mạng.
Nằm ở độ cao 2.891 mét so với mực nước biển, Marapi là núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương" nên thường chứng kiến các hoạt động địa chấn và núi lửa phun trào. Hiện quốc gia này có gần 130 núi lửa đang hoạt động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!