Núi Semeru phun trào ở Lumajang, Đông Java, Indonesia, ngày 4/12. (Ảnh: AP)
Vụ phun trào núi lửa Semeru, ngọn núi cao nhất trên đảo chính Java của Indonesia, đã khiến cư dân sống trong các ngôi làng ở gần đó phải sơ tán.
Người phát ngôn của Trung tâm giảm thiểu rủi ro địa chất và núi lửa của Indonesia (PVMBG) Hendra Gunawan nói với đài truyền hình Kompas TV, mức độ đe dọa núi lửa phun trào gia tăng, "có nghĩa là mối nguy hiểm đe dọa khu vực sinh sống của người dân và hoạt động của núi lửa đã tăng lên".
"Cơ quan thời tiết Nhật Bản cảnh báo, sóng thần có thể ập đến các đảo Miyako và Yaeyama ở tỉnh Okinawa, phía Nam nước này", hãng tin Kyodo đưa tin.
Không có thương vong được báo cáo ngay lập tức sau vụ phun trào. Tuy nhiên, ông Gunawan cảnh báo, người dân sống gần đó không đi lại trong vòng 8 km (5 dặm) xung quanh miệng núi lửa do nguy cơ các dòng dung nham trào xuống, sau khi cảnh báo núi lửa được được nâng lên cấp độ 4.
Một người đàn ông nhìn núi Semeru giải phóng tro bụi, khói núi lửa trong vụ phun trào hôm 4/12. (Ảnh: AP)
"Rất nhiều người đã bắt đầu đi xuống núi", Thoriqul Haq, người đứng đầu chính quyền địa phương Lumajang, nơi có ngọn núi lửa, nói với đài truyền hình Kompas TV.
Núi lửa Semeru cao 3.676 mét, nằm cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 850 km về phía Đông Nam. Núi Semeru phun trào lần cuối cách đây đúng một năm, khiến ít nhất 51 người thiệt mạng. Thảm họa khiến toàn bộ đường phố ngập trong bùn và tro núi lửa, "nuốt chửng" nhà cửa và xe cộ, gần 10.000 người phải di dời đến các địa điểm tránh trú.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", nơi các mảng lục địa gặp nhau gây ra hoạt động địa chấn và núi lửa cường độ cao. Quốc gia Đông Nam Á này có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!