Núi lửa Semeru phun tro bụi, khói lên không trung. (Ảnh: AP)
Tổng thống Indonesia đã ra lệnh phản ứng nhanh để tìm kiếm người mất tích và điều trị các nạn nhân trong vụ phun trào núi lửa này. Hiện 7 người đang bị mất tích, trong khi các mảnh vỡ từ núi lửa và lớp bùn dày cản trở nỗ lực tìm kiếm.
Núi lửa Semeru ở huyện Lumajang, tỉnh Đông Java phun ra những đám mây tro bụi khổng lồ vào khoảng 19h ngày 4/12 (theo giờ địa phương), khiến cư dân chạy trốn trong hoảng loạn.
Một cơ quan giám sát núi lửa cho biết, những đám mây tro bụi đã bay lên đến 50.000ft (15.240 m) trong không trung, che khuất mặt trời ở một số nơi.
Một quan chức của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia xác nhận, ít nhất 14 người đã thiệt mạng sau vụ phun trào. Hai trong số họ đã được xác định danh tính. Gần 100 người đã bị thương, bao gồm cả hai phụ nữ mang thai và hơn 1.300 người đã phải đi sơ tán. Dự báo mưa sẽ diễn ra trong những ngày tới, có thể cản trở nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân.
Mười người bị mắc kẹt trong hầm mỏ xung quanh núi lửa đã được đưa đến nơi an toàn. Khoảng 30 tòa nhà và một cây cầu đã bị phá hủy trong vụ phun trào, trong khi giông bão đã cản trở nỗ lực sơ tán. Nhiều ngôi làng bị bao phủ bởi tro bụi núi lửa.
Eko Budi Lelono, người đứng đầu Trung tâm Khảo sát địa chất Indonesia, thông tin, giông bão và mưa trong nhiều ngày qua đã gây sạt lở và cuối cùng làm sập mái vòm dung nham trên đỉnh Semeru cao 3.676 m, kích hoạt vụ phun trào. Dòng khí nóng và dung nham đã chảy qua quãng đường dài 800 m, đến một con sông gần đó ít nhất hai lần trong ngày 4/12.
Người đứng đầu huyện Lumajang, Thoriqul Haq, nói với TVOne: "Những cột tro bụi dày và khói đã khiến một số ngôi làng chìm trong bóng tối".
Ông nói thêm rằng, nhiều cư dân đã được chuyển đến nơi trú ẩn tạm thời hoặc các khu vực an ninh gần đó.
Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đã thông báo cho tất cả các hãng hàng không tránh các tuyến bay gần núi lửa, nhưng hoạt động bay vẫn diễn ra theo lịch trình và các nhà chức trách sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.
Núi lửa Semeru phun trào lần gần đây nhất vào tháng 1/2021, không có trường hợp tử vong được báo cáo.
Tại Indonesia, một quần đảo với hơn 270 triệu dân, động đất và hoạt động núi lửa diễn ra khá thường xuyên vì nước này nằm dọc theo 'Vành đai lửa' Thái Bình Dương, một chuỗi các đường đứt gãy hình móng ngựa.
Núi lửa Semeru phun trào gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở Indonesia. (Ảnh: AP)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!