Thiệt hại tại New Zealand sau vụ phun trào núi lửa. (Ảnh: AP)
Vụ phun trào núi lửa trên diễn ra vào ngày 15/1 ở Tonga, trên Thái Bình Dương. Đây là thông tin do Cơ quan phòng vệ dân sự Peru đưa ra vào ngày 16/1.
Viện Phòng vệ Dân sự Quốc gia Peru (Indeci) cho biết trong một tuyên bố, hai người tử vong do đuối nước vào ngày 15/1 trên một bãi biển nằm ở vùng Lambayeque, miền Bắc Peru .
Ngọn núi lửa nằm ở dưới nước ngoài khơi Tonga đã phun trào vào ngày 15/1. Vụ phun trào núi lửa đã gây ra những đợt sóng lớn trên một số hòn đảo Nam Thái Bình Dương. Nhiều tài khoản trên mạng xã hội đã đăng tải hình ảnh cho thấy sóng ập vào các ngôi nhà trên bờ biển.
Hơn 20 cảng của Peru đã tạm thời đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh cảnh báo núi lửa đang gây ra những đợt sóng cao bất thường, Indeci cho biết.
Hình ảnh núi lửa ở Tonga phun trào do vệ tinh Himawari-8 chụp vào ngày 15/1, một vệ tinh thời tiết của Nhật Bản do Cơ quan Khí tượng Nhật Bản vận hành. (Ảnh: Reuters)
Cảnh sát Peru đăng thông báo trên Twitter, các nhân viên cảnh sát thuộc đồn ở bãi biển Naylamp đã phát hiện hai nạn nhân tử vong do đuối nước. Trước đó, cảnh báo về "sóng cao bất thường" trong khu vực và không thích hợp cho việc tắm biển đã được đưa ra.
Một số ngôi nhà và cơ sở kinh doanh tại các khu vực ven biển ở miền Bắc và miền Trung Peru bị ngập trong nước biển .
Đài Phát thanh - Truyền hình công cộng Nhật Bản (NHK) đưa tin, hàng trăm nghìn người đã được khuyến cáo sơ tán vào sáng 16/1 khi núi lửa ở Tonga phun trào và xuất hiện sóng thần ở gần bờ biển phía Thái Bình Dương, những con sóng cao hơn 1 m ập vào các khu vực ven biển nước này. 210.000 người ở 7 tỉnh của Nhật Bản đã được yêu cầu tránh xa khu vực bờ biển.
Tuy nhiên, vào chiều tối cùng ngày, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã dỡ bỏ tất cả các cảnh báo và khuyến cáo về sóng thần.
Nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, Canada, New Zealand, Fiji cũng đã ban bố cảnh báo sóng thần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!