Hầu hết các công ty tham gia thử nghiệm không lựa chọn quay trở lại mô hình tuần làm việc 5 ngày thông thường, các nhân viên cảm thấy làm việc hiệu quả hơn và có thêm nhiều thời gian dành cho nghỉ ngơi và gia đình.
61 công ty tại Anh đã tham gia cuộc thử nghiệm từ tháng 6 tới tháng 12/2022, họ cam kết giảm 20% giờ làm việc cho nhân viên và vẫn giữ nguyên lương. Đây là các công ty thuộc rất nhiều ngành nghề, từ lĩnh vực marketing, tài chính, bán lẻ trực tuyến, giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay cửa hàng đồ ăn.
Kết quả sau khi thử nghiệm, 56/61 công ty sẽ tiếp tục triển khai mô hình tuần làm việc 4 ngày, 18 công ty khẳng định đây sẽ trở thành chính sách lâu dài của họ, chỉ có 3 công ty tạm dừng mô hình này vào thời điểm hiện tại.
Anh Nathan Jenkinson - Giám đốc khách hàng Công ty Tyler Grange, Anh: "Trải nghiệm của tôi là rất tích cực và có thể thấy điều đó ở tất cả mọi người khi làm việc. Mọi người đều tràn đầy năng lượng khi đến công ty vào thứ Hai sau 3 ngày nghỉ cuối tuần. Với cá nhân tôi, lợi ích mà tôi thấy được là có nhiều thời gian dành cho gia đình, khám phá những kỹ năng mới và làm những việc mà trước đây tôi không có đủ thời gian".
Kết quả thử nghiệm cho thấy, tỷ lệ người lao động bị căng thẳng và ốm đau trong tổng số 2.900 người tham gia đã giảm đáng kể. Khoảng 39% nhân viên cho biết, họ bớt căng thẳng hơn và số ngày nghỉ ốm trong thời gian thử nghiệm giảm khoảng 2/3. Số lượng nhân viên nghỉ việc tại các công ty đã giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đợt thử nghiệm, doanh thu trung bình của các công ty tăng nhẹ 1,4% và tăng tới 35% so với 6 tháng cuối năm 2021.
Một số nghiên cứu khác ở Anh và Mỹ thậm chí còn cho thấy mô hình làm việc 4 ngày 1 tuần giúp giảm lượng khí phát thải ra môi trường, vì mọi người sử dụng xe ít hơn và tham gia các hoạt động phát thải ít carbon như leo núi, tập thể dục trong nhà.
Thực tế, mô hình làm việc 4 ngày 1 tuần cũng đã được thử nghiệm ở nhiều nước khác như Mỹ, Iceland, Tây Ban Nha, Nhật Bản hay New Zealand. Tuy nhiên, thử nghiệm ở Anh là ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo các nhà nghiên cứu, kết quả thu được cho thấy, mô hình này đã sẵn sàng cho bước tiếp theo, từ thử nghiệm chuyển sang áp dụng thực tiễn cho nhiều công ty.
Anh Nathan Jenkinson - Giám đốc khách hàng, Công ty Tyler Grange, Anh: "Trong 1 hay 2 tháng đầu, tôi cũng đã phải thay đổi rất nhiều và suy nghĩ về việc làm sao có thể hoàn thành cùng một khối lượng công việc trong 4 ngày, thay vì 5 ngày trước đây. Nhưng rồi bất kỳ định kiến nào về mô hình làm việc này cũng nhanh chóng mất đi".
Lợi ích của mô hình làm việc 4 ngày
Có thể kể ra vô số những lợi ích của mô hình làm việc 4 ngày này: tinh thần người lao động tốt hơn, năng suất làm việc cao hơn, chủ động về thời gian hơn... Đây là giải pháp ngày càng khả thi với một số, chứ không phải tất cả các công ty, tổ chức. Phân tích của một số bài báo đã lý giải cho lo ngại này.
BBC có bài viết với tiêu đề "Tuần làm việc 4 ngày thực sự có thể phổ biến đến mức nào?". Tác giả bài viết nhận định: xu hướng giảm giờ làm đang rất phổ biến trong khối công nghệ, văn phòng hay tài chính. Tuy nhiên, với các công việc như tư vấn hay luật, trước nay vẫn là "làm ít giờ, thu nhập giảm". Chưa kể, mô hình này khi áp dụng ở các công ty lớn, các nhà quản lý sẽ đối mặt với áp lực lớn để giám sát, kiểm soát hiệu suất làm việc của nhân viên.
Bài báo kết luận, dù phong trào ủng hộ "tuần làm việc 4 ngày" đang mở rộng, nhưng đây vẫn chưa thể là mô hình làm việc chính thống, đòi hỏi mức độ tin cậy rất cao giữa các nhà lãnh đạo và người lao động.
Trong một bài viết khác phân tích về thực tế của tuần làm việc 4 ngày, BBC trích nghiên cứu của Công ty tư vấn Gallup cho thấy, phúc lợi cho nhân viên có thể tăng, nhưng tình trạng mất kết nối cũng tăng đột biến.
Cụ thể là, những lao động vốn không gắn kết nhiều với đồng nghiệp sẽ lại càng xa rời với công ty khi họ làm việc ít ngày hơn. Thêm vào đó còn là ảnh hưởng đến cơ hội làm việc nhóm. Mỗi người đều tập trung hoàn thành khối lượng công việc riêng, khi thời gian làm việc rút ngắn, dẫn tới bớt không gian hợp tác, trao đổi công việc theo nhóm.
Mô hình tuần làm việc 4 ngày cũng được cho là chưa khả thi ở một số nước, ví dụ như Ấn Độ, theo nhận định trên trang Business Insider. Bài báo cho rằng, tính khả thi và thành công của mô hình mới này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu, ưu tiên cụ thể của từng doanh nghiệp và nhân viên của họ.
Ấn Độ giới hạn người lao động làm việc tối đa 48 tiếng 1 tuần, nếu chuyển sang làm việc theo kiểu 4 ngày 1 tuần, tức là 12 tiếng 1 ngày là vi phạm luật lao động, trong khi các nhà máy hay cơ sở chăm sóc sức khỏe nếu rút bớt thời gian thì lại không thể hoàn thành công việc. Vì thế, dù không khả thi trong thời điểm này, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đã nhận ra nhu cầu phải tìm các phương án làm việc linh hoạt hơn cho nhân viên.
Trước đây, "tuần làm việc 4 ngày" được cho là ý tưởng viển vông, không mấy ai quan tâm, nhưng sau đại dịch COVID-19, khi môi trường làm việc có nhiều thay đổi, thử nghiệm mô hình này đã thu được những kết quả đầy hứa hẹn. Dự đoán, số lượng các cơ quan áp dụng việc giảm giờ làm này sẽ gia tăng khi nào họ có thể tìm ra được một phương án phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!