Nước Anh thận trọng hơn khi mở cửa trở lại sau 4 tháng phong tỏa

P.V (t/h)-Thứ hai, ngày 17/05/2021 14:12 GMT+7

VTV.vn - Ngày 17/5, nước Anh chính thức mở cửa trở lại nền kinh tế, một cách thận trọng hơn, sau 4 tháng áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Ngày 17/5 có lẽ sẽ được coi như ngày "tự do" với khoảng 65 triệu người dân Anh khi nền kinh tế nước này sẽ mở cửa trở lại, một cách thận trọng, sau 4 tháng áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trong thời bình nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.

Hầu hết người dân Anh sẽ lại được tự do trao nhau những cái ôm, đến các quán rượu quen thuộc để thưởng thức đồ uống một cách thoải mái, đến nhà hàng ăn uống kể cả ở những khu vực phục vụ trong nhà hay tới các rạp chiếu phim sau thời gian dài liên tục bị gián đoạn vì các đợt phong tỏa. Cụ thể, từ ngày 17/5, người dân tại các xứ gồm England, Wales và Scotland sẽ được phép tham gia hoạt động tụ tập ngoài trời tối đa 30 người, 2 hộ gia đình có thể được gặp gỡ trong không gian khép kín trong khi các quán cafe, quán bar và nhà hàng được phép phục vụ trong nhà, người sinh sống tại các viện dưỡng lão có thể đón tiếp 5 người tới thăm và các trường học sẽ dỡ bỏ quy định đeo dụng cụ bảo hộ mặt bắt buộc. Các biện pháp hạn chế tại vùng Bắc Ireland sẽ được nới lỏng muộn hơn so với các vùng còn lại.

Trong thời gian phong tỏa, không ít người dân Anh, đặc biệt là giới trẻ, còn thiếu ý thức tuân thủ các quy định hạn chế, tham gia các hoạt động tụ tập đông người như biểu tình hay tiệc tùng. Chính phủ Anh đã tăng cường quyền hạn cho lực lượng cảnh sát để ngăn chặn hoặc phạt những người vi phạm, với hình phạt lên tới 10.000 bảng Anh (14.000 USD/người) nếu tham gia tiệc tùng. Vì vậy, khi các hoạt động được nối lại, không ít người dân Anh đã thực sự háo hức khi họ được làm lại những việc bình thường, giống như cách mà nữ diễn viên Joana Lomley chia sẻ với báo The Telegraph rằng: "tôi sẽ ôm tất cả những người mà tôi có thể chạm tay, tôi sẽ bế mọi đứa trẻ mà tôi nhìn thấy". Có thể đó là những lời nói đầy phấn khích nhưng thực sự khi đã phải trải qua một thời gian dài thay đổi mọi thói quen tiếp xúc và phải chủ động giữ khoảng cách với tất cả mọi người xung quanh thì sẽ hiểu đó là một cảm xúc rất dễ hiểu.

Anh - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh - ghi nhận tổng cộng 127.679 người đã tử vong vì COVID-19, cao nhất châu Âu và đứng thứ 5 thế giới. COVID-19 cũng khiến nền kinh tế Anh năm 2020 trải qua đợt suy giảm tồi tệ nhất trong 3 thế kỷ và buộc chính phủ nước này phải tung ra hàng trăm tỷ bảng để cứu các doanh nghiệp và đảm bảo việc làm cho người lao động. Tới nay, Anh có thể thực hiện lộ trình mở cửa trở lại một cách suôn sẻ chủ yếu nhờ thực hiện tốt chương trình tiêm phòng quốc gia, với tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Đáng chú ý, ngày 16/5, Anh thông báo hoàn tất tiêm phòng đủ 2 mũi cho 20 triệu người trưởng thành, tương đương 38,2% tổng số người trưởng thành tại quốc gia này. Trong khi đó, tổng số người trưởng thành được tiêm ít nhất là 1 mũi vaccine phòng COVID-19 tại Anh là hơn 36,57 triệu người (69,4% tổng số người trưởng thành) và tổng cộng hơn 56,67 triệu liều vaccine đã được tiêm tại quốc gia này. Anh đặt mục tiêu tiêm cho toàn bộ người trưởng thành trước cuối tháng 7 tới. Là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai tiêm phòng COVID-19 trên diện rộng, Anh lựa chọn kéo dài thời gian giãn cách giữa mũi 1 và mũi 2 thành 12 tuần thay vì 4 tuần như được thực hiện trong các thử nghiệm lâm sàng. Các dữ liệu từ Dịch vụ Y tế cộng đồng vùng England công bố cho thấy các loại vaccine đã phát huy tác dụng đặc biệt giúp giảm số ca nhập viện và tử vong, góp phần tránh được 11.700 ca tử vong và giảm 33.000 ca nhập viện, tính đến cuối tháng 4.

Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 - cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ - vẫn gây ra những thách thức chưa thể đoán định trước. Bên cạnh tâm lý vui sướng vỡ òa thì vẫn còn đó sự lo lắng trước những nguy cơ dịch bệnh. Thủ tướng Boris Johnson đã cảnh báo sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, có tên là B.1.617.2, có thể sẽ làm gián đoạn kế hoạch mở cửa hoàn toàn vào tháng 6 tới. Trong phát biểu mới đưa ra ngay trước khi Anh thực hiện mở cửa giai đoạn tiếp theo từ ngày 17/5, Thủ tướng Johnson khẳng định bằng sự đồng lòng, nước Anh đang đạt được thêm một cột mốc mới trong lộ trình khôi phục cuộc sống nhưng cần cực kỳ thận trọng trước khi thực hiện bước tiếp theo của quá trình này. Ngày càng nhiều luồng ý kiến lo ngại về biến thể B.1.617.2 trong khi các cố vấn khoa học tại Anh cũng nhận định biến thể này có thể sẽ trở thành thách thức chính tại Anh trong thời gian tới, thậm chí còn lây lan nhanh hơn của biến thể B.1.1.7 từng xuất hiện tại chính quốc gia này.

Để ứng phó với biến thể mới, Chính phủ Anh quyết định sẽ rút ngắn khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 tiêm xuống còn 8 tuần cho người trên 50 tuổi và nhóm các nhân viên y tế tuyến đầu. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 16/5 bày tỏ tự tin rằng các loại vaccine hiện hành sẽ phát huy hiệu quả với biến thể B.1.617.2 từ Ấn Độ hiện đang lây lan tại quốc gia này. Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng số ca nhiễm biến thể này tại Anh tăng từ 520 lên 1.313 ca trong tuần qua, chủ yếu tập trung tại các thị trấn miền Bắc ở Bolton và Blackburn. Trong phát biểu mới nhất, ông Hancock cho biết dựa trên những dữ liệu phân tích sơ bộ từ Đại học Oxford, chính phủ khá tự tin vào hiệu quả bảo vệ của vaccine trước biến thể mới này. Ông cũng nhận định nhiều khả năng biến thể mới sẽ lây lan nhanh như các đám cháy rừng trong nhóm chưa được tiêm phòng nên chính phủ ưu tiên đẩy mạnh tốc độ tiêm phòng cho càng nhiều người càng tốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước