Nước Anh trở nên nghèo hơn sau ba năm Brexit?

Vân Ánh-Thứ năm, ngày 02/02/2023 11:49 GMT+7

VTV.vn - Một cuộc trưng cầu dân ý kéo theo nhiều tranh cãi đã đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sau ba năm, ngày càng nhiều người Anh chán nản với ý tưởng Brexit.

Nước Anh đã Brexit được ba năm kể từ ngày 31/1/2020. Với những người trong cuộc thì có lẽ 3 năm qua đã trôi đi một cách khá vất vả, bởi nước Anh đã vấp phải một loạt vấn đề vừa là khách quan vừa là hệ quả từ công cuộc Brexit. Sự kiện này cũng khiến nhiều thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) nhận ra việc rời ngôi nhà chung không hề dễ dàng như tưởng tượng.

Khó khăn liên tiếp hậu Brexit

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những khó khăn kinh tế đang đẩy lùi những hy vọng và hứa hẹn về triển vọng kinh tế tốt đẹp nhờ Brexit. Hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine lại càng chồng chất thêm thách thức cho nước Anh.

Thị trấn Thurrock đã là một trong những nơi bỏ phiếu ủng hộ Brexit nhiều nhất tại Anh, người dân ở đây cũng phải nhận định lợi ích từ Brexit sẽ phải mất thời gian mới tới.

Ông Ray Yates - Thị trấn Thurrock, Anh nói: "Tôi tính sẽ mất 10 năm nữa và một chính phủ mới thì hy vọng tình hình mới phục hồi".

Các doanh nghiệp Anh cho hay, chính khó khăn trong làm ăn với thị trường gần nhất là EU hậu Brexit là rào cản lớn cho kinh tế. Như ở hạt Kent, quá trình chuyển tiếp không hề dễ dàng với doanh nghiệp từng xuất khẩu rau quả sang 6 nước EU. Phải đối mặt với thuế cao hơn và thủ tục hành chính phức tạp, doanh nghiệp này đã mất khách hàng EU. Trong khi đó, nhập khẩu nông sản từ Tây Ban Nha hay Italy giờ cũng gặp rủi ro hàng hóa hỏng trước khi giải quyết xong thủ tục hải quan, việc làm giấy tờ cũng dễ bị lỗi.

Nước Anh trở nên nghèo hơn sau ba năm Brexit? - Ảnh 1.

Bà Nimisha Raja - Nhà sáng lập Công ty Nim's Fruit & Veg Crisps, Anh: "Ba năm rồi các vấn đề vẫn chưa được giải quyết mấy, chúng tôi đành tự bỏ cuộc vào lúc này. Xuất khẩu sang EU không còn là trọng tâm nữa".

Còn Trung tâm gym Indirock thì thiếu nguồn thiết bị phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ leo núi nhân tạo cho khách hàng, vì các thiết bị này chỉ có ở EU, trong khi các công ty EU lại không muốn phải đương đầu với các thủ tục hải quan phức tạp của phía Anh.

Bà Emily Vermont - Nhà sáng lập Trung tâm gym Indirock: "Brexit làm tình hình phức tạp đối với chúng tôi khi đặt mua các mấu tựa. Tất cả những mấu tựa ở đây đa phần đều thuộc các thương hiệu ở EU. Do Brexit, giờ việc đặt hàng bị đình trệ lắm, phải mất 3 đến 6 tháng mới nhận được hàng".

Theo một nghiên cứu, Brexit đã làm giảm 20% lượng trao đổi thương mại giữa Anh và EU. Và dù đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine có gây ra những tác động tiêu cực thì cũng chỉ trong ngắn hạn, trong khi tác động của Brexit sẽ kéo dài.

Phó Giáo sư Thomas Sampson - Đại học Kinh tế London, Anh: "Rời EU chắc chắn đã kéo kinh tế Anh phát triển chậm lại, các rào cản thương mại mới đã khiến các công ty Anh khó làm ăn với EU hơn. Về tổng thể, hậu quả là nền kinh tế Anh đang tăng trưởng chậm hơn, nước Anh trở nên nghèo hơn vì Brexit".

Nước Anh trở nên nghèo hơn sau ba năm Brexit? - Ảnh 2.

Brexit là một cuộc chia tay không bên nào có lợi

Phía châu Âu cũng có những tổn thất, có lẽ không tổn thất như nước Anh, nhưng cũng là chuyện đáng tiếc. Không còn nước Anh đồng hành nữa, Liên minh châu Âu mất đi phần nào sức nặng trong chính sách đối ngoại trong quốc phòng và thương mại đối với phần còn lại của thế giới. Về thương mại, tiêu chuẩn hàng hóa khác biệt giữa Anh và châu Âu dẫn tới việc phải kiểm soát hải quan biên giới làm mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp. Thị trường lao động chia tách, 330.000 người từ các nước châu Âu khác không thể tới Anh làm việc tự do, một mặt làm cho nước Anh thiếu hụt nhân công, mặt khác làm giảm kiều hối từ Anh gửi về châu Âu.

Đối với Liên minh châu Âu thì dường như Brexit đã là quá khứ xa xôi, và nhất là trong lúc này còn bao mối bận tâm khác, tăng trưởng, lạm phát, chiến tranh… Kỷ niệm ba năm nước Anh rời bỏ ngôi nhà chung châu Âu, lãnh đạo Liên minh châu Âu và lãnh đạo quốc gia đều không đả động gì tới Brexit, báo chí cũng không dành nhiều trang nhiều thời lượng cho Brexit. Điểm tích cực của Brexit đối với Liên minh châu Âu là, khi đã thấy rõ hậu quả, không còn nước châu Âu nào tính chuyện làm như nước Anh, ngay cả các đảng cực hữu bài ngoại và bài châu Âu cũng không còn nêu định hướng đưa đất nước ra khỏi Liên minh châu Âu nữa. Đã không xảy ra nguy cơ nước Anh ra đi sẽ tạo hiệu ứng domino kéo các nước khác ra theo.

Nước Anh hướng tới tương lai

Nước Anh đang loay hoay tìm cách gắn kết trở lại với EU. Tờ The Guardian trích lời một nguồn tin rằng, các quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh đang thảo luận về một mối quan hệ gần gũi với EU dựa trên mô hình của Thụy Sĩ. Nước này không phải là thành viên EU nhưng được quyền tiếp cận thị trường chung EU, ít chịu kiểm soát biên giới nhưng đổi lại phải đóng góp vào ngân sách của khối và chấp nhận một số luật lệ chung. Đích thân Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng ủng hộ một cơ chế hợp tác kiểu mới với EU.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho rằng: "Canada, Hàn Quốc và Nam Phi đều có giao dịch thương mại tự do với Liên minh châu Âu mà không cần từ bỏ quyền tự chủ của họ. Là một trong những khách hàng lớn nhất của châu Âu, tôi thấy không có lý do hợp lý nào khiến chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận tương tự".

Nước Anh trở nên nghèo hơn sau ba năm Brexit? - Ảnh 3.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng nước Anh cần đẩy mạnh việc tăng thuế, coi Brexit thành chất xúc tác cho tăng trưởng của Vương quốc Anh.

Trước đây các lãnh đạo nước Anh nhấn mạnh đến khía cạnh chủ quyền khi phải tuân thủ nhiều luật lệ do Liên minh châu Âu ban hành hay làn sóng di dân khi nói đến Brexit, nay người ta lại không đề cập đến các vấn đề này mà chỉ nhìn lại Brexit dưới lăng kính kinh tế. Mà dưới lăng kính kinh tế, rõ ràng Brexit không chỉ chặn dòng người nhập cư vào Anh, nó cũng chặn luôn hàng hóa dịch vụ của Anh xuất sang thị trường chung EU, gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế Anh.

Tờ Independent trích lời bộ trưởng Hunt rằng, có 4 điều nước Anh cần phải làm ngay để hướng tới tương lai, thay vì Bregret, đó là đầu tư cho giáo dục, đạt thỏa thuận với EU trong về vấn đề người xin tị nạn. tăng cường tiếp cận các sản phẩm động vật và thực phẩm của Vương quốc Anh vào thị trường EU, đảm bảo các thỏa thuận về thị thực lao động theo ngành cụ thể và thiết lập sự công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn.

Theo một cuộc trưng cầu dân ý gần đây thì 1/5 chính những người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit hiện hối tiếc về sự lựa chọn của mình, khoảng 2/3 người Anh nói chung cho rằng quá trình Brexit 'được xử lý không tốt'. Tuy nhiên, Brexit đã xảy ra và nước Anh giờ chỉ còn tập trung tìm cách làm tình hình thời kỳ hậu Brexit khá lên mà thôi.

Anh dự định cải tổ quy định tài chính hậu Brexit Anh dự định cải tổ quy định tài chính hậu Brexit

VTV.vn - Chính phủ Anh đang dự định sẽ cải tổ các quy định với ngành tài chính nhằm tăng sức hấp dẫn của trung tâm tài chính London.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Brexit

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước