Nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9

TS Hoàng Anh Tuấn - nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Cộng hòa Indonesia, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN-Thứ bảy, ngày 11/09/2021 06:09 GMT+7

VTV.vn - Vụ khủng bố ngày 11/9 cách đây 20 năm - một sự kiện được ví như trận Trân Châu Cảng thứ hai - đã vĩnh viễn thay đổi nước Mỹ.

Trước sự kiện này, nước Mỹ đang ở đỉnh cao của quyền lực thế giới với sức mạnh kinh tế, quân sự và ảnh hưởng vượt trội. Tuy nhiên, việc theo đuổi chiến lược chống khủng bố sai lầm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh và vị thế của nước Mỹ.

Ở bên ngoài, chỉ cách đây ít ngày, Taliban vừa giành lại chính quyền ở nơi 20 năm trước họ đã bị quân đội Mỹ đánh bại. Còn Trung Quốc đang chờ Mỹ sa chân để soán ngôi cường quốc số 1 của Mỹ. Ở trong nước, nỗi lo bao trùm đối với người dân Mỹ hiện nay là tình trạng mất an ninh, nhập cư ồ ạt, siêu lạm phát và nợ công kỷ lục...

Sự kiện 11/9 và những phản ứng quá đà

Buổi sáng ngày 11/9/2001, nước Mỹ bàng hoàng chứng kiến 4 vụ tấn công khủng bố liên tiếp bằng máy bay: hai chiếc máy bay chở khách đâm thẳng và làm sập tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, một chiếc lao bên ngoài Lầu năm góc và chiếc còn lại bị rơi ở Pennsylvania trong nỗ lực tấn công Tòa Bạch ốc bất thành. Tổng cộng có gần 3.000 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương trong các vụ tấn công được thực hiện bởi những kẻ khủng bố Al-Qaeda được huấn luyện tại các căn cứ ở Afghanistan do Taliban kiểm soát.

Nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 1.

Vụ nổ tại tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11/9/2001 (Ảnh: AP)

Đối với tuyệt đại đa số người Mỹ, việc tấn công vào Tòa tháp đôi - biểu tượng sức mạnh Mỹ - bởi những kẻ khủng bố là điều không thể chấp nhận được. Ngay lập tức, một liên minh chống khủng bố toàn cầu do Mỹ lãnh đạo đã hình thành. Và tất cả chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại của Mỹ trong giai đoạn này đều xoay quanh mục tiêu chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu và đập tan các nhóm khủng bố tìm cách tấn công nước Mỹ, lợi ích của Mỹ và đồng minh, cũng như những kẻ đã bao che cho chúng.

Câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Bush trong việc phân định bạn, thù lúc đó là: Nếu các anh không đứng về phía chúng tôi chống lại bọn khủng bố thì các anh là kẻ thù của chúng tôi ("You are either with us, or against us").

Nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 2.

Những người lính cứu hỏa cố gắng khắc phục thiệt hại do các cuộc tấn công khủng bố gây ra (Ảnh: AP)

Afghanistan đã trở thành mục tiêu đầu tiên trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ngay sau khi Taliban bác bỏ yêu cầu trao trả trùm khủng bố Osama bin Laden và đóng cửa các trại huấn luyện khủng bố của Al-Qaeda trên lãnh thổ nước này. Thắng lợi quân sự mau chóng trước một đối thủ "tàng hình" Taliban khiến Mỹ chủ quan, mất cảnh giác và lao tiếp vào cuộc chiến Vùng Vịnh II, lật đổ tổng thống Saddam Hussein của Iraq năm 2003.

Hai cuộc phiêu lưu quân sự lớn cùng những tính toán sai lầm khiến Mỹ phải trả giá rất đắt, ở lại Iraq đến 8 năm và Afghanistan tới 20 năm với chi phí quân sự trực tiếp là 2000 tỷ USD, gần 10.000 sinh mạng và hàng chục ngàn thương vong.

Sai lầm trong việc coi khủng bố là mối đe dọa an ninh lớn nhất, rồi dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố, đã làm Mỹ phân tán nguồn lực, làm lệch hướng các ưu tiên.

Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố hoàn toàn có thể được thực hiện hiệu quả sau khi đánh bại Taliban bằng các công cụ khác ít tốn kém hơn như: sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh bên trong nước Mỹ; phối hợp trong việc chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh; triển khai lực lượng quân sự tinh gọn cùng các loại vũ khí thông minh ở bên ngoài... thay vì phải tốn kém hàng nghìn tỷ USD để can thiệp vào tiến trình hòa giải và tái thiết quốc gia - một công việc mà quân đội Mỹ không được đào tạo và huấn luyện để làm.

Cuộc chiến chống khủng bố đã thay đổi nước Mỹ ra sao?

Trong cuộc thăm dò dư luận của Kênh truyền hình Fox News ngày 9/9/2021, tức chỉ 2 ngày trước lễ kỷ niệm 20 năm sự kiện 11/9, khoảng 2/3 số người Mỹ (64%) được hỏi ý kiến cho rằng sự kiện 11/9 đã vĩnh viễn thay đổi cuộc sống của họ.

Thực vậy, sau sự kiện 11/9, một loạt các nhóm khủng bố bên ngoài đã bị tiêu diệt, bốc dỡ mạng lưới hoặc cắt nguồn cung cấp tài chính. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp kiểm soát an ninh gắt gao đã được áp dụng tại các sân bay, cửa khẩu, bến cảng, các khu mua sắm hoặc vui chơi đông người... ở trên khắp nước Mỹ. Những biện pháp kiểm soát an ninh này vẫn tiếp tục được duy trì và trở thành một phần cuộc sống của người Mỹ ngay cả khi nguy cơ khủng bố giảm đi.

Điều này đã làm giảm đáng kể các cuộc tấn công phối hợp có tổ chức và quy mô lớn nhằm vào nước Mỹ và đồng minh. Trong 20 năm qua, mặc dù Mỹ và và các đồng minh châu Âu vẫn phải hứng chịu một số cuộc tấn công khủng bố, nhưng nhìn chung các cuộc tấn công này là tương đối nhỏ, và đều kém xa so với vụ khủng bố ngày 11/9 cả về quy mô, mức độ và con số thương vong.

Nước Mỹ 20 năm sau vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 3.

Người dân hoảng loạn trước cảnh sụp đổ của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại ngày 11/9/2001 (Ảnh: AP)

Cũng trong cuộc thăm dò dư luận trên của Fox News vừa qua, 65% người Mỹ được hỏi cho rằng nước Mỹ hiện nay an toàn hơn so với năm 2001, trong khi đó chỉ có 17% cho rằng Nước Mỹ kém an toàn, còn 13% thì cho rằng thách thức khủng bố đối với an ninh nước Mỹ vẫn như cũ, không có gì thay đổi. Và khác với năm 2001, tỷ lệ người Mỹ hiện lo ngại về khủng bố bị đẩy xuống hàng "thứ yếu", chỉ còn 60%, sau các mối lo ngại về lạm phát (86%), bạo lực (81%), y tế (78%), sự trỗi dậy của Trung Quốc (73%), thất nghiệp (71%), thâm hụt ngân sách liên bang (70%) và COVID-19 (69%).

Điều này cho thấy, cuộc chiến chống khủng bố liên tục trong hơn 20 năm qua của Mỹ đã đem lại một số kết quả tích cực nhất định. Đáng chú ý, tâm trạng an toàn của người Mỹ trong cuộc thăm dò dư luận lần này được thực hiện khoảng 3 tuần sau khi Taliban giành được quyền kiểm soát tại Kabul và hiện đang có một số nghi ngại nổi lên về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố.

Vị thế bấp bênh của nước Mỹ trên phạm vi toàn cầu

Việc tập trung nguồn lực trong cuộc chiến chống khủng bố khiến vị thế của nước Mỹ trên bàn cờ thế giới bị lung lay nghiêm trọng.

Thứ nhất, sự tập trung bất cân đối, thiên về khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Để tập trung cho chiến lược chống khủng bố, Mỹ phải cấu trúc lại chiến lược an ninh, đối ngoại như tập trung nhiều hơn vào khu vực có nguy cơ cao, nơi sinh ra các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan như Trung Đông - Bắc Phi, rồi bắt tay làm lành với các địch thủ như Nga, Trung Quốc, Pakistan, tiếp đó là xây dựng các liên minh ngoại giao, quân sự mới trên phạm vi toàn cầu.

Việc tập trung vào khu vực Trung Đông - Bắc Phi và sự can thiệp quân sự vào khu vực này đã tạo ra một loạt các bất ổn mới từ Iraq, Syria đến Libya. Kết cục là thay vì đem lại hòa bình và ổn định trong khu vực thì chính sách và sự can thiệp sai lầm của Mỹ lại giúp cho ảnh hưởng của Nga tăng lên ở Syria và Trung Đông. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhóm hồi giáo cực đoan mới như Nhà nước Hồi giáo IS được hình thành trên lãnh thổ Iraq và Syria trong giai đoạn 2012 - 2016.

Thứ hai cuộc chiến chống khủng bố làm cho Trung Quốc trở thành quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Từ chỗ được Tổng thống Bush xem là địch thủ khi mới lên cầm quyền nhưng nhờ có sự kiện 11/9, Trung Quốc lại được Mỹ chuyển hóa, tranh thủ và lợi dụng để trở thành đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Kết quả là vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bush năm 2008, quan hệ Trung - Mỹ quay trở lại thời kỳ trăng mật mới và ở đỉnh cao nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngày 1/1/1979. Tiếp đó, Trung Quốc tiếp tục tận dụng mối quan hệ tốt này với Mỹ để âm thầm xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự để rồi trở thành cường quốc có khả năng thách thức Mỹ trên mọi phương diện, đi kèm với tham vọng soán ngôi Mỹ, trở thành cường quốc hùng mạnh nhất toàn cầu.

Sai lầm chiến lược của Mỹ trong việc xác định các thách thức toàn cầu sau sự kiện khủng bố 11/9 cũng tương tự như sai lầm trước đó hơn 30 năm khi can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam với sự có mặt của trên 500.000 quân và coi Việt Nam là thách thức lớn nhất đối với an ninh của Mỹ khi đó. Còn Liên Xô, đối thủ không đội trời chung của Mỹ trong Chiến tranh lạnh, lại là bên hưởng lợi nhiều nhất, tập trung phát triển sức mạnh quân sự và đạt được thế quân bình với Mỹ về bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược (tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom hạt nhân và tên lửa hạt nhân vượt đại Châu) vào đầu những năm 1970 mà cho đến tận bây giờ Mỹ vẫn chưa tìm cách phá vỡ nổi.

Thứ ba, cuộc chiến chống khủng bố đã tạo ra gánh nặng lớn về ngân sách. Từ chỗ duy trì mức nợ liên bang khá thấp cách đây 20 năm thì nay Mỹ đứng trước món nợ ngân sách khổng lồ tới trên 28.000 tỷ USD, tức khoảng 120% GDP. Đó là chưa kể con số 3.500 tỷ USD mà chính quyền Biden dự kiến sẽ vay tiếp 3.500 để phục hồi nền kinh tế Mỹ giai đoạn sau COVID-19.

Như vậy, cái giá phải trả cho những tính toán và bước đi sai lầm trong cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9 là rất lớn. Và chưa bao giờ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nước Mỹ ở vào một vị thế bấp bênh và tương lai thiếu chắc chắn như giai đoạn hiện nay.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước