Việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hơn hoặc nóng hơn (được gọi là căng thẳng nhiệt) - đặc biệt là trong giai đoạn cuối của thai kỳ - có thể khiến trẻ sinh ra lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với trọng lượng phù hợp với tuổi thai.
Cân nặng khi sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và cơ hội sống sót của trẻ. Nó cũng có thể cho thấy khả năng dễ mắc các bệnh lý của họ ở độ tuổi trưởng thành.
Căng thẳng nhiệt có thể ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh như thế nào?
Nghiên cứu - được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Dân số Curtin ở Perth (Australia) - đã kiểm tra hơn 385.000 ca mang thai ở bang Tây Úc từ năm 2000 đến năm 2015.
Sử dụng Chỉ số khí hậu nhiệt phổ quát (UTCI - là chỉ số mô tả sự thoải mái về mặt sinh học của cơ thể người trong điều kiện khí hậu cụ thể), nghiên cứu đã xem xét khả năng tiếp xúc với căng thẳng nhiệt. Việc thai phụ tiếp xúc với căng thẳng nhiệt từ 12 tuần trước khi thụ thai cho đến khi sinh được phân tích để xác định xem nó có bất kỳ tác động nào đến cân nặng của trẻ sơ sinh hay không.
Trong nghiên cứu, 9,8% trẻ sinh ra có kích thước quá nhỏ và 9,9% trẻ sinh ra có kích thước quá lớn so với tuổi thai. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sinh con có cân nặng bất thường.
Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể xảy ra là do việc tiếp xúc với căng thẳng nhiệt làm gia tăng tình trạng mất nước và gây ra stress oxy hóa cũng như các phản ứng viêm toàn thân, có khả năng động tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi.
Ai có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng nhiệt nhất?
Mức phơi nhiễm nhiệt trung bình là từ 8,1℃ đến 30℃. 1% số người tiếp xúc nhiều nhất với căng thẳng nhiệt có nhiều khả năng nhận thấy sự thay đổi nhất về cân nặng khi sinh. Điều này đặc biệt đúng đối với những người bị căng thẳng nhiệt trong giai đoạn sau của thai kỳ.
Nguy cơ trở nên lớn hơn đối với một số nhóm nhất định, bao gồm những người không phải da trắng, sinh con trai, thai phụ từ 35 tuổi trở lên, những người ở khu vực nông thôn và người hút thuốc khi mang thai.
Điều này làm tăng thêm bằng chứng về mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khỏe sinh sản. Ngoài việc làm cho các đợt nắng nóng và lạnh trở nên phổ biến hơn, nó còn gây ra các bệnh do vật chủ truyền bệnh, thiên tai và khan hiếm tài nguyên, tất cả đều gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!