Tham gia vòng đàm phán này là đại diện của 175 nước với những mong muốn khác nhau, song mục tiêu lại rất tham vọng: Đạt được thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý vào năm sau, chi phối toàn bộ vòng đời của các sản phẩm nhựa.
Đại diện các quốc gia, đại diện các tổ chức dân sự tham gia vòng đàm phán xử lý rác thải nhựa tại trụ sở của UNESCO đều chung một nguyện vọng: Lên tiếng vì quyền được sống trong một môi trường sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Ngày nay, không một nơi nào trên hành tinh mà không bị ô nhiễm nhựa. Tình hình đang ngày một trầm trọng, nếu chúng ta không làm gì thì tới năm 2060, lượng rác thải nhựa sẽ tăng gấp 3. Vì vậy, ô nhiễm nhựa vừa là quả bom hẹn giờ, vừa là tai họa hiện hữu".
Tổng thống Pháp cũng cho rằng, ưu tiên số 1 của vòng đàm phàn này là giảm sản xuất nhựa và cấm càng sớm càng tốt những sản phẩm gây ô nhiễm nhất, như sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Và đúng là các cuộc tranh luận tại đàm phán hiện nay chủ yếu là giữa một bên là các nước muốn hạn chế việc sản xuất nhựa và bên kia là ngành hóa dầu đang vận động để giải pháp là tăng cường tái chế, chứ không phải giảm bớt sản xuất nhựa.
Chủ trì đàm phán là Chương trình môi trường của Liên hợp quốc, tổ chức này đã đưa ra dự thảo có nội dung là tới năm 2040, giảm 80% rác thải nhựa.
Bà Inger Andersen - Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng: "Chỉ có loại bỏ, giảm bớt, sử dụng cách tiếp cận toàn bộ vòng đời của nhựa, minh bạch và chuyển tiếp công bằng thì mới mang lại thành công, bởi sự thật là chúng ta không thể tái chế mà thoát được khủng hoảng. Hạ tầng tái chế không thể đáp ứng được lượng rác thải nhựa hiện nay".
Hiện các nước vẫn còn chưa thống nhất được về các vấn đề khác như tài chính và cách áp dụng các chính sách cũng như giám sát việc áp dụng như thế nào. Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho hay, hiện có 13 nghìn hóa chất có trong quá trình sản xuất nhựa, hơn 3 nghìn hóa chất trong số này bị coi là độc hại. Thế nhưng, có tới 2/3 sản phẩm nhựa bị thải ra sau khi mới được dùng một hoặc một vài lần. Chưa đầy 10% được tái chế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!