Phản ứng của châu Âu trước việc Ukraine tìm kiếm quy chế thành viên NATO

-Thứ bảy, ngày 30/08/2014 20:21 GMT+7

Ngày 29/8, Chính phủ Ukraine đã bày tỏ ý định khôi phục tiến trình trở thành thành viên NATO. Ukraine đang tìm kiếm sự bảo trợ của các thành viên NATO sau khi Kiev và phương Tây cáo buộc Nga mở rộng hoạt động quân sự trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp nội các, Thủ tướng Arseniy Yatsenyukcho biết ông sẽ đệ trình lên Quốc hội một dự luật nhằm mở đường cho Ukraine trở thành thành viên của NATO.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatseniuk cho biết: “Chính phủ Ukraine sẽ trình lên Quốc hội một dự luật để bãi bỏ quy chế không liên minh của Nhà nước Ukraine nhằm mở đường cho Ukraine trở thành thành viên của NATO”.

Việc Ukraine trở thành thành viên chính thức của NATO sẽ khó có thể diễn ra trong tương lai gần, tuy nhiên, việc Kiev tuyên bố tìm kiếm quy chế thành viên NATO là một bước đi táo bạo nhằm tìm kiếm sự bảo trợ về mặt quân sự từ phương Tây.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatseniuk cũng kêu gọi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra gói cứu trợ tiếp theo trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kinh tế trị giá 17 tỷ USD nhằm giảm bớt những gánh nặng tài chính nặng nề do chiến dịch quân sự chống lực lượng nổi dậy ở các khu vực miền Đông.

Trên chiến trường, cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi dậy tại miền Đông vẫn chưa phân thắng bại. Một sự bảo trợ từ NATO sẽ là lá chắn tốt để Ukraine giành thế chủ động hơn trong các cuộc đàm phán cũng như trên chiến trường. Và những cáo buộc của Kiev và phương Tây về việc Nga mở rộng hoạt động quân sự trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraine có thể là lý do tốt để Ukraine có được câu trả lời của phương Tây cả về hỗ trợ quân sự lẫn kinh tế.

Châu Âu phản ứng thế nào trước đề xuất của Ukraine?

Trước đề xuất của Ukraine, NATO cho biết nếu Ukraine thực sự muốn gia nhập khối này, các nước thành viên NATO sẵn sàng thảo luận khả năng đó trong thời gian sớm nhất, có thể trong cuộc họp toàn thể các nước thành viên NATO dự kiến vào ngày 3/9 và 4/9 tới tại.

Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen cho biết ông tôn trọng quyền của Ukraine trong việc tìm tư cách thành viên và nếu NATO dự định mở rộng Hiệp ước phòng thủ chung với Ukraine, đó sẽ là thay đổi lớn nhất trong kiến trúc an ninh của châu Âu từ những năm 1990.

Còn Liên minh châu Âu cho tới lúc này chưa có phản ứng gì cụ thể trước lời kêu gọi trợ giúp của Ukraine.

Trong ngày 30/8, Tổng thống Ukraine cũng tới Brussels để gặp lãnh đạo các quốc gia châu Âu với đề xuất EU giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng Ukraine. Thế nhưng, ông Poroshenko sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Âu sẽ diễn ra tại đây.

Lần này, châu Âu họp thượng đỉnh để thảo luận về nhân sự cấp cao và chắc chắn sẽ bàn tới các biện pháp cụ thể để trợ giúp Ukraine. Trước thềm hội nghị này, có thông tin EU sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga sau khi Ukraine cáo buộc Nga đưa quân vượt qua biên giới nước này để hỗ trợ lực lượng nổi dậy - điều Nga đã bác bỏ.

Trước đó, tại hội nghị diễn ra ngày 29/8 tại ở Milan, Italy, các ngoại trưởng EU đã đề cập việc mở rộng danh sách các cá nhân và tổ chức của Nga bị trừng phạt kinh tế, đồng thời đề xuất việc sẽ gửi các thiết bị quân sự sang Ukraine.

 

Viết Quân - Hồng Quang

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước