Luật sửa đổi bắt buộc tất cả các tàu cá của các nước thành viên Liên minh châu Âu phải lắp đặt thiết bị giám sát và định vị theo thời gian thực, giúp các nước thành viên theo dõi tàu cá của nhau và triển khai hệ thống khai báo trực tuyến nhất quán trên toàn bộ Liên minh châu Âu.
Tới đây, các tàu đánh cá dài hơn 18m sẽ bị buộc phải lắp camera giám sát trên tàu. Luật Kiểm soát nghề cá mà Nghị viện châu Âu vừa thông qua siết chặt hơn nữa đối với tàu cá của các nước Liên minh châu Âu. Ngồi trên bờ hoặc trên tàu tuần tra, lực lượng kiểm ngư của tất cả các nước thành viên đều có thể xem trực tiếp những gì đang diễn ra trên tàu cá.
Ông Johannes Hahn - Cao ủy châu Âu về Ngân sách và Quản trị: "Ủy ban châu Âu cam kết thúc đẩy một sân chơi bình đẳng cho ngư dân châu Âu trên phạm vi quốc tế. Cuộc chiến trên toàn thế giới chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi".
Tàu cá nhỏ hơn thì không cần lắp camera, nhưng vẫn sẽ phải có thiết bị thông báo liên tục tọa độ ngư trường. Tàu to nhỏ thế nào thì cũng phải khai báo, loại cá định bắt và sản lượng dự kiến, thời điểm rời bến và cảng cá sẽ cập… Luật Kiểm soát đánh cá sửa đổi dựa trên công nghệ vệ tinh và Internet để kiểm soát đánh bắt. Tới đây, có thể Cơ quan Kiểm ngư châu Âu sẽ tạo ra ứng dụng khai báo để ngư dân cài vào điện thoại.
Bà Clara Aguilera - Nghị sĩ Tây Ban Nha, Báo cáo viên về luật Kiểm soát đánh cá: "Ngành đánh bắt cá đang bước vào kỷ nguyên số hóa, do đó quy trình truyền dữ liệu về sản lượng đánh bắt cũng như dữ liệu về các chi tiết khác trong quá trình đánh bắt đều quan trọng. Dữ liệu rõ ràng, minh bạch, nhất quán đối với tất cả các nước thành viên, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm… là những yếu tố quan trọng của lần sửa luật này".
Quy định mới sẽ áp dụng mức phạt chung cho các vi phạm, dựa trên giá trị thủy hải sản hiện có trên tàu, thay vì để cho mỗi nước tự đưa ra mức phạt khác nhau.
"Tại Tây Ban Nha, các biện pháp kiểm soát và trừng phạt rất nghiêm khắc. Nhưng có nhiều nước châu Âu lại hầu như không có biện pháp tương đương. Không thể duy trì tình trạng, cùng trong Liên minh châu Âu mà lại có nước kiểm soát đánh cá một cách chặt chẽ, có nước không", bà Clara Aguilera nói.
Quy định mới chặt chẽ hơn và bao quát hơn, kể cả tàu câu giải trí trên biển cũng sẽ phải khai báo. Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực sau 4 năm, khoảng thời gian để ngư dân thích ứng dần, vì một nền ngư nghiệp bền vững, không làm cạn kiệt nguồn hải sản, giảm mức độ tác động môi trường.
Hiệp hội ngư dân và doanh nghiệp đánh bắt phản đối
Khi luật còn đang trong giai đoạn đàm phán thì các hiệp hội ngư dân và doanh nghiệp đánh bắt đã phản đối quy định bắt buộc tàu to phải lắp camera giám sát. Bây giờ khi luật đã được thông qua, đây vẫn là chi tiết gây tranh cãi, không phải vì do tốn kém chi phí mua thiết bị. Các tàu đánh cá vẫn thường phân loại sơ rồi vứt luôn xuống biển những loài cá đã lọt vào trong lưới nhưng ít giá trị thương mại, trong khi đây là hành vi bị cấm.
Các hiệp hội ngư dân và doanh nghiệp đánh bắt lập luận rằng, nhiều camera như thế trên tàu và truyền hình ảnh liên tục về bờ cho kiểm ngư tất cả mọi nước châu Âu có thể kéo theo những hệ lụy bất lợi cho người lao động.
Có hai điểm mà ngư dân bên ngoài châu Âu có lẽ đang quan tâm. Thứ nhất là có rất nhiều quy định của Liên minh châu Âu sau đó đã được các nước khác thấy có lý và làm theo, nhiều quy chuẩn châu Âu đã trở thành quy chuẩn quốc tế. Ví dụ gần nhất là quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng, nay đã có 31 quốc gia bên ngoài châu Âu áp dụng. Thứ hai, với hải sản nhập khẩu, có thể phía châu Âu sẽ yêu cầu phải đánh bắt theo tiêu chuẩn châu Âu thì mới cho nhập khẩu, với lập luận cạnh tranh bình đẳng, vì ngư dân châu Âu đã tốn kém cho quy định châu Âu sẽ khó cạnh tranh với ngư dân nước khác không phải chịu những ràng buộc tương tự.
Theo trình tự pháp lý, thì luật Kiểm soát nghề cá châu Âu còn phải được Hội đồng châu Âu ký ban hành và Quốc hội từng nước thành viên Liên minh châu Âu phê chuẩn trước khi thực sự được áp dụng trên thực tế, thay cho luật hiện hành có từ năm 2009.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!