Động thái cấm bán pháo hoa nói trên được đưa ra sau các cuộc biểu tình bạo loạn kéo dài một tuần vừa chấm dứt tại Pháp.
Sắc lệnh của Chính phủ Pháp nêu rõ, để ngăn chặn nguy cơ gây rối nghiêm trọng trong dịp Quốc khánh, việc bán, sở hữu, vận chuyển và sử dụng các loại pháo hoa cũng như các vật phẩm chứa chất nổ hoặc hỗn hợp chất nổ như trong pháo hoa bị cấm trên cả nước cho đến hết ngày 15/7.
Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng đối với các chuyên gia và chính quyền thành phố được cấp phép tổ chức lễ hội pháo hoa truyền thống nhân dịp Quốc khánh.
Trao đổi với nhật báo Le Parisien, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne bày tỏ lo ngại về khả năng bạo loạn bùng phát trở lại tại nước này. Bà cho biết, Chính phủ Pháp sẽ triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm trật tự, trị an nhân dịp lễ lớn của đất nước.
Việc Pháp cấm bán pháo hoa nhằm ngăn chặn nguy cơ gây rối nghiêm trọng trong dịp Quốc khánh 14/7 tại Pháp. (Ảnh: Reuters)
Biểu tình bạo loạn bùng phát tại Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi, được xác định tên là Nahel M., vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông.
Theo số liệu chính thức, cảnh sát đã tạm giữ tổng cộng hơn 3.700 đối tượng liên quan các vụ bạo loạn, trong đó có ít nhất 1.160 trẻ vị thành niên. Ước tính làn sóng biểu tình bạo loạn này gây thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD.
Ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tuyên bố, bạo loạn đã chấm dứt. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông đã có cuộc gặp với các thị trưởng của 220 thành phố chịu thiệt hại do các cuộc bạo loạn.
Nguồn tin quan chức Pháp cho biết, Tổng thống Macron hy vọng "sớm bắt đầu quá trình làm rõ vụ việc để tìm hiểu lý do sâu xa dẫn đến những sự kiện này".
Việc tìm cách giải quyết vấn đề này được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Macron kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!