Đây là cảnh báo do Chính phủ Pháp đưa ra.
Nguyên nhân vẫn là do Nga tiếp tục giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết: "Những người dùng chính, gồm các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, phải giảm mức tiêu thụ khí đốt cũng như điện, bởi hai hệ thống này có mối liên hệ với nhau”.
Nga cắt giảm khí đốt xuất khẩu sang châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga do liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, điều này buộc các nước châu Âu phải tranh giành các lựa chọn thay thế.
Mặc dù Pháp ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga hơn so với các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) khác nhưng lĩnh vực công nghiệp của nước này vẫn dựa vào khí đốt và hàng triệu người sử dụng nó để sưởi ấm nhà ở. Pháp cung cấp khoảng 3/4 sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân.
Lo thiếu khí đốt vào mùa đông, Pháp kêu gọi tiết kiệm năng lượng và đưa ra nhiều phương án thay thế. (Nguồn: AA)
Pháp đứng trước nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa đông dù cho nước này chạy đua để tăng lượng dự trữ khí đốt của mình. Hiện lượng khí đốt dự trữ chiến lược của Pháp đang ở mức 80% công suất và có thể đạt 100% trước ngày 1/11 tới.
Bà Pannier-Runacher cho rằng lượng dự trữ dù đầy cũng vẫn không đủ để tránh khỏi bị cắt giảm khí đốt khi Chính phủ tìm kiếm các nguồn thay thế cũng như trong trường hợp thời tiết quá lạnh..
Pháp cũng đang phải đối mặt với một mùa đông với ít nhà máy hạt nhân hoạt động hơn vì lo ngại về bảo trì hoặc an toàn, đồng nghĩa với việc nguồn cung điện có thể gặp căng thẳng.
Bà Pannier-Runacher nói: "Chúng tôi đang dựa vào sự đoàn kết, đặc biệt là với Đức, để nhập khẩu điện. Và chúng tôi cần hỗ trợ Đức về lượng khí đốt mà chúng tôi nhập khẩu thông qua các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!