Pháp đương đầu với làn sóng dịch mới, số ca tử vong do COVID-19 tăng cao ở Hàn Quốc 2 tháng liên tiếp

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ năm, ngày 23/06/2022 06:19 GMT+7

Hơn 546,29 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 23/6, thế giới có trên 546,29 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,34 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, Mỹ hiện ghi nhận trên 88,27 triệu ca mắc và hơn ,039 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 29.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi. Để phục vụ chiến dịch này, Chính phủ Mỹ đã mua 10 triệu liều vaccine của các hãng Moderna và Pfizer-BioNTech và hàng triệu liều trong những tuần tới. Vaccine của Moderna được sử dụng tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, với hai mũi tiêm cách nhau một tháng, mỗi mũi tiêm 25 microgam. Vaccine của Pfizer-BioNTech dành cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, liều tiêm bằng 1/10 liều dành cho người lớn và cần tiêm 3 mũi.

Theo báo cáo mới nhất của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội bệnh viện trẻ em của nước này, hơn 13,6 triệu trẻ em ở Mỹ đã mắc COVID-19 kể từ khi dịch bệnh này bùng phát. Báo cáo cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 16/6 vừa qua, số trẻ em mắc COVID-19 tại Mỹ là hơn 83.000 trẻ, cao hơn nhiều so với con số 15.000 bệnh nhi COVID-19 ghi nhận một năm trước đây, trong tuần tính đến ngày 17/6/2021. Từ đầu năm 2022 đến nay có khoảng 5,7 triệu ca mắc COVID-19 tại Mỹ là trẻ em, trong đó gần 371.000 trường hợp được ghi nhận trong 4 tuần qua.

Một nghiên cứu do Chính phủ Mỹ công bố đã phản ánh sự bất bình đẳng trong cấp phát thuốc điều trị COVID-19 tại Mỹ. Theo đó, các bệnh nhân ở khu vực khó khăn về kinh tế và điều kiện xã hội chỉ được nhận 1/2 số thuốc so với người dân sống ở các khu kinh tế giàu có. Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thực hiện nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận của người dân đối với dược phẩm điều trị COVID-19 của Pfizer và Merck.

Truyền thông Mỹ đưa tin, khoảng 10 - 30% trong tổng số bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng COVID kéo dài, bất kể các trường hợp này có triệu chứng bệnh nhẹ hoặc nặng. Theo một báo cáo gần đây được đăng tải trên trang NJ.com, một trang web tin tức của bang New Jersey, hội chứng COVID kéo dài là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các triệu chứng gặp phải trong một thời gian dài sau khi người bệnh không còn dương tính với virus SARS-CoV-2. Căn cứ theo định nghĩa này, khoảng 600.000 người trong tổng số hơn 2 triệu người từng nhiễm SARS-CoV-2 tại New Jersey kể từ khi đại dịch bùng phát đang mắc hoặc từng mắc hội chứng COVID kéo dài.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 22/6, nước này ghi nhận trên 12.900 ca mắc mới. Đến nay, tổng cộng trên 43,34 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil vẫn là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 669.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,82 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Pháp đương đầu với làn sóng dịch mới, số ca tử vong do COVID-19 tăng cao ở Hàn Quốc 2 tháng liên tiếp  - Ảnh 1.

Khoảng 10 - 30% trong tổng số bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ mắc hội chứng COVID kéo dài. (Ảnh: AP)

Pháp đang đối mặt với một làn sóng mới của dịch COVID-19 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Đây là nhận định được Giám đốc Trung tâm tiêm chủng quốc gia Pháp Alain Fischer đưa ra ngày 22/6 trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại nước này vào ngày 21/6 tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua, với hơn 95.000 ca. Ngày 22/6, số người nhiễm mới ở Pháp là trên 77.900 trường hợp.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, ông Fischer cho rằng, rõ ràng làn sóng dịch COVID-19 lại đang dâng cao tại quốc gia này, đồng thời cho biết cá nhân ông ủng hộ việc tái áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là mức độ nghiêm trọng của làn sóng lần này sẽ ra sao.

Tại Pháp, số ca mắc mới tăng dần từ cuối tháng 5, với trung bình số ca mắc mới trong giai đoạn 7 ngày đã tăng gần gấp 3 từ mức khoảng 17.705 ca công bố ngày 27/5 lên mức 50.402 ca công bố ngày 21/6. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp cũng tăng thêm 56 trường hợp trong ngày 21/6, lên mức 149.162 người.

Các nước châu Âu khác, đặc biệt là Bồ Đào Nha, cũng đang chứng kiến làn sóng dịch gia tăng do 2 dòng phụ của biến thể Omicron gồm BA.4 và BA.5 gây ra. Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng, 2 dòng phụ này nhiều khả năng sẽ trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo tại khu vực. Theo ECDC, các dòng phụ này không gây nguy cơ bệnh nặng cao hơn những dòng phụ khác của biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn và có thể dẫn tới tình trạng gia tăng số ca nhập viện và tử vong. Thông thường, khoảng 2 tuần sau khi số ca mắc mới tăng mạnh, số ca nhập viện bắt đầu tăng và tiếp sau đó 2 tuần là số ca tử vong tăng.

Đan Mạch sẽ tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho những người trên 50 tuổi. Kế hoạch này đã được Thủ tướng Mette Frederiksen công bố vào ngày 22/6 khi thông báo chiến lược ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong những tháng tới. Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Đan Mạch vẫn ở mức thấp nhưng số ca mắc mới đang gia tăng sau khi biến chủng phụ BA.5 của biến thể Omicron được xem là lây lan nhanh hơn các biến thể khác trở thành biến thể chủ đạo tại quốc gia Bắc Âu này.

Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Israel thực hiện cho thấy, liều thứ tư của vaccine ngừa COVID-19 sẽ mang lại hiệu quả cao hơn gấp 3 lần so với phác đồ tiêm 3 liều trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh trở nặng ở những người từ 60 tuổi trở lên.

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ và Chính phủ Anh ngày 22/6 đã công bố thỏa thuận, theo đó cho phép công ty công nghệ sinh học Mỹ xây dựng một trung tâm tiên tiến phát triển và sản xuất vaccine mRNA để phòng ngừa các bệnh hô hấp, trong đó có COVID-19.

Trong tuyên bố chung, Bộ Y tế Anh và công ty Moderna cho biết, hai bên có thể bắt đầu khởi công xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine ngay trong năm nay. Vaccine mRNA đầu tiên phát triển tại Anh dự kiến sẽ được sản xuất vào năm 2025.

Anh là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với gần 18.000 người tử vong. Anh đã mua một lượng lớn vaccine ngay cả trước khi chúng được phê duyệt, trong đó có vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA của Moderna và Pfizer.

Pháp đương đầu với làn sóng dịch mới, số ca tử vong do COVID-19 tăng cao ở Hàn Quốc 2 tháng liên tiếp  - Ảnh 2.

Tháng 3 và tháng 4/2022, số ca tử vong do COVID-19 tăng cao ở Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tháng 4 vừa qua là tháng có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai tại nước này.

Báo cáo công bố ngày 22/6 cho biết, số ca tử vong do COVID-19 trong tháng 4 là 36.697, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tháng 4 có số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay và cao thứ 2 tính theo tháng, sau mức 44.487 ghi nhận trong tháng 3. Nguyên nhân được giới chức y tế xác định là do sự lây lan của biến thể Omicron.

Nhà chức trách đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) đã phong tỏa tổ hợp khách sạn và sòng bài Fortuna sau khi bùng phát một ổ dịch COVID-19 tại địa điểm này. Hình ảnh trên truyền thông cho thấy, cảnh sát mặc bảo hộ phong tỏa khách sạn Fortuna để ngăn mọi người ra vào. Nhà chức trách cũng chuẩn bị tiến hành xét nghiệm cho 700 người bên trong khu nghỉ dưỡng Fortuna 9 một sòng bài vệ tinh thuộc sở hữu của tập đoàn SJM Holdings.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Macau quyết định tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với toàn bộ người dân tại đặc khu hành chính này sau khi phát hiện ít nhất 12 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng vào ngày 18/6.

Đợt bùng phát COVID-19 gần đây nhất tại Macau là vào tháng 10/2021, nhưng khu vực này trước đó đã không áp đặt lệnh phong tỏa hay cách ly trên diện rộng nào. Mặc dù Macau đã ghi nhận một số trường hợp mắc COVID-19 vào cuối tuần qua nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều số ca nhiễm mới hàng ngày tại đặc khu hành chính Hong Kong, với số ca nhiễm mới theo ngày vượt trên 1.000 ca trong những ngày gần đây.

Một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet số ra ngày 20/6 cho thấy, các kháng thể chống một số biến thể phụ của Omicron hầu như không thể phát hiện được sau hai mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm, trong khi mũi tiêm tăng cường chỉ giúp phục hồi một phần lượng kháng thể.

Trung Quốc hiện mới chỉ phê duyệt các vaccine ngừa COVID-19 nội địa, trong đó có sản phẩm của hãng Sinopharm. Nước này đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng và duy trì chính sách "Zero COVID" nhằm đẩy lui dịch bệnh. Vaccine BBIBP-CorV, một trong hai vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm được cấp phép sử dụng ở Trung Quốc, cũng là sản phẩm được xuất khẩu sang các nước.

Tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi, Mỹ bước vào giai đoạn chống dịch COVID-19 mới Tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi, Mỹ bước vào giai đoạn chống dịch COVID-19 mới Trung Quốc phát hiện ổ dịch COVID-19, số ca mắc mới ở Philippines tăng liên tục Trung Quốc phát hiện ổ dịch COVID-19, số ca mắc mới ở Philippines tăng liên tục Philippines cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 mới Philippines cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 mới

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước