Việc phát hiện các mẫu hóa thạch của loài khủng long Timurlengia euotica có thể giúp giải thích cách thức loài khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex (T-Rex) tiến hóa thành một trong những loài động vật săn mồi nguy hiểm nhất trên Trái Đất và đứng đầu chuỗi thức ăn cách đây 70-80 triệu năm.
Theo các nhà khoa học, các hóa thạch của Timurlengia được các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Edinburgh của Anh tìm thấy tại Uzbekistan. Nghiên cứu về hóa thạch của Timurlengia cho thấy loài khủng long này có kích thước tương đương một con ngựa, nhỏ hơn gấp nhiều lần so với T-rex. Các nhà nghiên cứu cho rằng kích thước khác biệt giữa Timulengia và T-rex cho thấy cả hai loài khủng long đều tiến hóa về kích thước một cách nhanh chóng trong khoảng 20 triệu năm cuối cùng của kỷ Phấn trắng. Điều này chứng tỏ, giống Tyrannosaur đã trở thành loài động vật săn mồi nguy hiểm trước khi kích thước của chúng lớn lên.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận định một trong những nhân tố lớn đóng vai trò trong sự tiến hóa của T-rex chính là cuộc đại tuyệt chủng do núi lửa phun trào cách đây 94 triệu năm trước. Họ nghi ngờ lửa và nham thạch đã giết chết nhiều động vật săn mồi hàng đầu lúc bấy giờ, đồng thời tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của khủng long bạo chúa T-rex. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng cần có thêm những mẫu hóa thạch để có thể tìm được các bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết trên.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online