Phát hiện bọt biển từ bông và xương mực hút hơn 99% vi nhựa trong nước

An Khê (t/h)-Thứ tư, ngày 11/12/2024 14:17 GMT+7

Bọt biển làm từ bông và xương mực (Ảnh: Global Times)

VTV.vn - Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã tạo được bọt biển sinh học làm từ bông và xương mực, có khả năng hấp thụ tới 99,8% hạt vi nhựa trong nước.

Tờ Guardian (Anh) ngày 10/12 cho biết, nhóm nhà khoa học tại Đại học Vũ Hán đã công bố nghiên cứu được bình duyệt trên tạp chí Science Advances.

Miếng bọt biển được tạo bằng cách sử dụng chiết xuất từ xương mực và cellulose bông, có thể hấp thụ nhiều loại vi nhựa phổ biến có kích thước dưới 5 mm xuất phát từ bao bì thực phẩm, hàng dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác. Cellulose bông là thành phần chính của sợi bông tự nhiên.

Nhóm nghiên cứu đánh giá hiệu suất của bọt biển sinh học này bằng cách sử dụng các mẫu từ bốn nguồn điển hình bao gồm nước tưới tiêu, nước hồ, nước biển và nước ao. Họ thu được kết quả rằng khả năng hấp phụ của vật liệu, về cơ bản không chịu ảnh hưởng bởi các hạt vô cơ, kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ hoặc vi sinh vật trong nước, phản ánh tính ổn định của nó trong môi trường nước thực tế.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng loại bọt biển này có thể loại bỏ 99,8% vi nhựa khỏi nước trong chu kỳ đầu tiên và thậm chí duy trì hiệu quả loại bỏ trên 95% sau năm chu kỳ, thể hiện khả năng tái sử dụng tối ưu.

Nhờ có nguyên liệu thô giá rẻ và dễ tiếp cận, bọt biển sinh học này dự kiến sẽ được ứng dụng rộng rãi để loại bỏ vi nhựa dưới nước, một bước đột phá lớn trong giải quyết vấn đề môi trường nhức nhối đang lan rộng.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), vi nhựa đã trở thành vấn đề ngày càng đáng lo ngại đối với môi trường và sức khỏe con người vì chúng hiện diện ở khắp mọi nơi. Vi nhựa cũng được phát hiện trong nước máy, nước đóng chai và thậm chí cả đồ uống thông thường, chẳng hạn như bia. Theo đài NPR (Mỹ), nghiên cứu gần đây cho thấy vi nhựa cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

Vi nhựa được xem là chất gây ô nhiễm chính cho các đại dương và sự hiện diện của chúng trong không khí ít được biết đến hơn. Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới ở giai đoạn sơ khai.

Trong các nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Nhật Bản đã xác nhận sự hiện diện của vi nhựa trong bầu khí quyển, trong mây, trong tuyết, do đó rất có thể chúng sẽ được hấp thụ vào cơ thể người thông qua đường thở, từ đó xâm nhập vào mạch máu.

Hạt vi nhựa có kích thước dưới 5mm, được sản sinh ra khi rác thải nhựa phân hủy dưới tia cực tím và các tác động tự nhiên như sóng và gió. Vi nhựa được coi là mang tính hóa học có hại cho các sinh vật, vì sau khi xâm nhập chúng sẽ giải phóng ra các hóa chất có thể xuất hiện trong các chuỗi thức ăn của con người thông qua các loại cá hoặc động vật có vỏ, gây tổn hại cả hệ sinh thái tự nhiên và con người,

Qua những quan sát thực tế được tiến hành trong giai đoạn 2021-2022, Giáo sư Hirochi Okochi thuộc Đại học Waseda của Nhật Bản lần đầu tiên chứng minh được rằng vi nhựa có trong nước thu được trực tiếp từ mây tại 3 địa điểm, trong đó có đỉnh núi Phú Sĩ. Do quá trình phân hủy bởi tia cực tím, các vật chất trong không khí trở nên chống bám nước, vì thế sẽ tồn tại dưới dạng nguyên tử cô đặc trong nước và băng thu được từ mây. Vi nhựa cũng phát thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình phân hủy dưới tia UV. Theo các nhà nghiên cứu, vi nhựa có thể đẩy nhanh quá trình hình thành mây, khiến cho tia Mặt trời khó tiếp cận bề mặt Trái Đất, từ đó can thiệp vào các mô hình mang tính dự báo về tình trạng ấm lên toàn cầu.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Hiroshi Ono thuộc Học viện Kỹ thuật Kitami ở Hokkaido đã phát hiện hạt vi nhựa trong tuyết. Đây là kết quả phân tích tuyết thu được từ 9 địa điểm ở Hokkaido trong giai đoạn 2021-2023. Ở những khu vực hẻo lánh, đa số vi nhựa tìm thấy có kích thước dưới 0,06mm, tương đối nhỏ, thuộc dạng polyethylene vốn được dùng trong các hộp đựng bằng nhựa. Ở khu vực thành thị, các hạt vi nhựa tìm thấy chủ yếu có kích thước tương đối lớn, là nhựa cao su tổng hợp và được cho là từ những nguồn như lốp xe.

Theo Giáo sư Okocho, vi nhựa trong khí quyển có kích thước dưới 0,1mm, nhỏ hơn so với vi nhựa trong đại dương, tuy nhiên chúng phân hủy nhanh hơn do tiếp xúc với các tia UV mạnh. Đối với sức khỏe con người, những hạt vi nhựa được hấp thụ vào cơ thể người chủ yếu tích tụ ở phổi, sau đó những hạt mịn hơn có thể đi khắp cơ thể qua đường máu. Tuy nhiên rất khó loại bỏ những hạt này như các loại nhựa được hấp thu qua thực phẩm và đồ uống nhiễm nhựa.

Nghiên cứu đầu tiên về vi nhựa trong không khí được đưa ra năm 2016, nhưng từ đó đến nay không có nhiều tiến triển trong việc xác định mức độ trầm trọng của vấn đề do lĩnh vực nghiên cứu này còn tương đối mới và không có các phương pháp chuẩn. Giáo sư Okochi cho biết vẫn còn nhiều điều cần làm rõ để xác định những ảnh hưởng về sức khỏe từ vi nhựa trong không khí cũng như cách thức đối phó với nguy cơ này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước