Phát hiện đột phá cho thấy vi khuẩn trong miệng có thể tiêu diệt khối u ung thư

Linh Quy (Theo Guardian)-Thứ năm, ngày 01/08/2024 09:51 GMT+7

(Ảnh minh họa: Getty Images)

VTV.vn - Những người mắc ung thư vùng đầu và cổ được cho là có kết quả điều trị tốt hơn nếu phát hiện thấy vi khuẩn fusobacterium trong khối u ung thư của họ.

Mới đây, các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra rằng một loại vi khuẩn phổ biến trong khoang miệng có thể khiến một số khối u ung thư "tan chảy". Các nhà nghiên cứu tại Đại học King's College London cho biết họ đã "vô cùng ngạc nhiên" khi phát hiện ra rằng "fusobacterium" - một loại vi khuẩn thường thấy trong miệng - dường như có khả năng tiêu diệt một số loại ung thư.

Theo một nghiên cứu, những người mắc ung thư vùng đầu và cổ được phát hiện có loại vi khuẩn này trong khối u ung thư của họ, đã có kết quả điều trị rất khả quan.

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu cơ chế sinh học chính xác đằng sau mối liên hệ này sau những phát hiện ban đầu. Tiến sĩ Miguel Reis Ferreira, tác giả chính của nghiên cứu và là cố vấn về ung thư vùng đầu cổ tại tổ chức Guy's và St Thomas', nói với hãng thông tấn PA: "Về bản chất, chúng tôi thấy rằng khi tìm thấy những loại vi khuẩn này trong khối u ung thư vùng đầu và cổ, kết quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều. Một điều khác mà chúng tôi phát hiện ra là trong môi trường nuôi cấy tế bào, loại vi khuẩn này có khả năng tiêu diệt ung thư. Vì vậy, chúng tôi đang tìm kiếm cơ chế giúp 'tan chảy' khối u và nó sẽ là chủ đề cho một đề tài mới trong tương lai rất gần".

Ông nói thêm: "Nghiên cứu cho thấy rằng những loại vi khuẩn này đóng vai trò phức tạp hơn so với những gì đã biết trước đây về mối quan hệ giữa chúng với ung thư. Tuy nhiên, phát hiện này cần được cân bằng với ảnh hưởng đã biết của chúng trong việc khiến các loại ung thư như ung thư ruột trở nên tồi tệ hơn".

Phát hiện đột phá cho thấy vi khuẩn trong miệng có thể tiêu diệt khối u ung thư - Ảnh 1.

Ung thư vùng đầu và cổ là một nhóm ung thư vô cùng phổ biến, với tỷ lệ tử vong cao và số ca ngày càng tăng (Ảnh: Carti)

Các nhà khoa học đã sử dụng mô hình để giúp xác định loại vi khuẩn nào có thể được quan tâm để nghiên cứu thêm. Sau đó, họ xem xét tác động của vi khuẩn lên các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm và tiến hành phân tích dữ liệu trên 155 bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ để có thông tin về khối u và gửi đến cơ sở dữ liệu Cancer Genome Atlas.

Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đưa một lượng vi khuẩn vào đĩa petri và để chúng ở đó vài ngày. Khi quay lại để kiểm tra tác động của vi khuẩn đối với bệnh ung thư, họ thấy rằng bệnh ung thư đã gần như biến mất. Họ phát hiện thấy có tỷ lệ giảm 70 - 99% số lượng tế bào ung thư vùng đầu cổ sau khi bị nhiễm vi khuẩn fusobacterium.

Phân tích dữ liệu bệnh nhân cho thấy những người có vi khuẩn fusobacterium trong bệnh ung thư đầu cổ có tỷ lệ sống sót cao hơn so với những người không có vi khuẩn này.

Ung thư vùng đầu cổ thường bắt nguồn từ lớp phủ trên bề mặt bên trong của vùng đầu cổ. Thuật ngữ chuyên môn gọi là niêm mạc vùng miệng, mũi, hầu, họng và thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gai. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này có thể giúp xây dựng phác đồ điều trị cho những bệnh nhân ung thư đầu cổ, bao gồm ung thư miệng, họng, thanh quản, mũi và xoang…

Các chuyên gia cho biết đã có rất ít tiến bộ trong điều trị ung thư vùng đầu cổ trong 20 năm qua, vì vậy họ hy vọng phát hiện này có thể đưa đến các phương pháp điều trị mới trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước