Hài cốt người cổ được tìm thấy. (Ảnh: China News)
Địa điểm khai quật nằm ở đền Jinlan, là một trong những địa điểm thời tiền sử sớm nhất ở thành phố Quảng Châu. Cuộc khai quật khảo cổ được thực hiện trên khu vực rộng khoảng 800 m2.
Một ngôi mộ cổ ở đền Jinlan. (Ảnh: ECNS)
Tính đến cuối tháng 3, trên diện tích 500 m2 thuộc khu vực này, các nhà khảo cổ đã phát hiện những gò vỏ sò thời tiền sử cùng với 30 bộ hài cốt người cổ và 32 ngôi mộ cổ có thể bắt nguồn từ cuối thời kỳ đồ đá mới (12.000 năm trước) và thời Chiến Quốc (từ năm 475 - 221 trước Công nguyên), cũng như vỏ sò và xương cá.
Một bộ hài cốt vẫn còn được lưu giữ tốt ở đền Jinlan. (Ảnh: ECNS)
Ông Yi Xibing, Giám đốc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ Quảng Châu, cho biết, hầu hết các hài cốt trong các ngôi mộ thời kỳ đồ đá mới còn tương đối nguyên vẹn. Đây được xem là những phát hiện rất hiếm ở cửa sông Châu Giang của Trung Quốc và thậm chí ở khu vực Lĩnh Nam.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện 32 ngôi mộ cổ ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
30 bộ hài cốt của người cổ này sẽ là nguồn tư liệu và căn cứ quan trọng trong việc nghiên cứu sự phát triển về hình thái xương và răng, cổ sinh học và phân tích DNA cổ đại, đồng thời nghiên cứu về các cuộc di cư của người xưa và phục hồi hình thái dân tộc ở cửa sông Châu Giang trong thời kỳ trước thời đại nhà Tần (năm 221 trước Công nguyên), theo ông Yi Xibing.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!