Phát hiện hóa thạch của loài động vật tiền sử tấn công cả khủng long

Vũ Hoàn-Thứ năm, ngày 20/07/2023 17:15 GMT+7

VTV.vn - Phát hiện trên đã làm thay đổi quan niệm của nhiều người về sự vô địch của loài khủng long tiền sử.

Mới đây, các nhà khoa học đã khai quật được một hóa thạch ấn tượng ở vùng Đông bắc Trung Quốc. Hóa thạch có niên đại 125 triệu năm này là một loài động vật có vú giống như con lửng đang tấn công một con khủng long ăn thực vật, đè lên con mồi và cắm răng vào xương sườn của nạn nhân.

Có niên đại từ Kỷ Phấn trắng, hóa thạch mới được phát hiện là loài động vật có vú bốn chân Repenomamus robustus – có kích thước của một con mèo nhà - đang chiến đấu dũng mãnh với loài khủng long hai chân có mỏ Psittacosaurus lujiatunensis – kích thước to bằng một con chó cỡ trung bình. Repenomamus đứng trên đầu Psittacosaurus đang nằm sấp, ngoạm chặt hàm và chân sau trong khi cắn vào lồng ngực. Repenomamus dài 1-1/2 feet (47 cm). Psittacosaurus dài 4 foot (120 cm). Cả hai đều được cho là chưa trưởng thành hoàn toàn. Các nhà khoa học nghi ngờ chúng bất ngờ bị nhấn chìm trong dòng bùn núi lửa và bị chôn sống trong trận chiến sinh tử.

Phát hiện hóa thạch của loài động vật tiền sử tấn công cả khủng long - Ảnh 1.

Hình minh họa loài động vật có vú ăn thịt kỷ Creta Repenomamus robustus tấn công loài khủng long ăn thực vật Psittacosaurus lujiatunensis (ảnh: REUTERS)

Nhà cổ sinh vật học Jordan Mallon thuộc Bảo tàng Tự nhiên Canada ở Ottawa cho biết trên Tạp chí Báo cáo Khoa học: "Khủng long gần như luôn lớn hơn các loài động vật có vú cùng thời, vì vậy mọi người thường có niềm tin mặc định rằng những con khủng long lớn hơn luôn ăn thịt những động vật có vú nhỏ hơn".

"Ở đây, chúng tôi có bằng chứng rõ ràng về việc một loài động vật có vú nhỏ hơn đang săn một con khủng long lớn hơn, đó là điều mà chúng tôi không thể đoán ra nếu không có hóa thạch này", Tiến sĩ Mallon nói thêm.

Phát hiện hóa thạch của loài động vật tiền sử tấn công cả khủng long - Ảnh 2.

Hình minh họa loài động vật có vú ăn thịt kỷ Creta Repenomamus robustus tấn công loài khủng long ăn thực vật Psittacosaurus lujiatunensis (ảnh: REUTERS)

Hầu hết các loài động vật có vú trong Đại Trung sinh, thời đại của khủng long, là những động vật tí hon trong sân khâu của những loài bò sát khổng lồ. Chúng chỉ có thể cố gắng hết sức để không trở thành thức ăn. Repenomamus đã cho thấy ít nhất một số động vật có vú đã vượt ra khỏi thường thức này.

"Tôi nghĩ mấu chốt ở đây là lưới thức ăn của Đại Trung Sinh phức tạp hơn những gì chúng ta tưởng tượng," Mallon nói.

Khu vực ở tỉnh Liêu Ninh nơi tìm thấy hóa thạch gần như hoàn chỉnh được gọi là "Pompeii của Trung Quốc" do có nhiều hóa thạch động vật bị chôn vùi trong các vụ phun trào núi lửa.

"Đã có nhiều mẫu vật của khủng long ăn thịt săn khủng long ăn thực vật trước đây, nhưng chưa từng có ví dụ nào về việc động vật có vú săn khủng long", nhà cổ sinh vật học và đồng tác giả nghiên cứu của Bảo tàng Thiên nhiên Canada Xiao-chun Wu cho biết.

Phát hiện hóa thạch của loài động vật tiền sử tấn công cả khủng long - Ảnh 3.

Những bộ xương hóa thạch có niên đại khoảng 125 triệu năm trước ở Trung Quốc (ảnh: REUTERS)

Việc khai quật được hóa thạch động vật tương tác với nhau là rất hiếm gặp. Một hóa thạch khác được tìm thấy vào những năm 1970 ở Mông Cổ cho thấy hai loài khủng long - loài ăn thịt Velociraptor và loài ăn thực vật Protoceratops đang chiến đấu cách đây khoảng 80 triệu năm trước khi bị chôn sống, có lẽ trong một cồn cát bị sụp lún.

Các nhà nghiên cứu đã bác bỏ ý kiến cho rằng hóa thạch trên là của một loài động vật ăn xác ăn thịt một con khủng long sau khi chết.

Tiến sĩ Mallon nói: "Đầu tiên, con thú có vú ở trên đầu khủng long như thể đang cố gắng khuất phục nó, điều này không giống với giả thuyết của một động vật ăn xác".

"Thứ hai, không có vết cắn nào trên xương của con khủng long, điều sẽ xảy ra nếu đó là một động vật ăn xác thối. Cuối cùng, chân sau của con thú có vú bị mắc kẹt bởi chân sau gập lại của khủng long , điều này khó có thể xảy ra nếu con khủng long đã chết trước khi gặp con thú có vú," Tiến sĩ Mallon cho biết thêm.

Psittacosaurus là họ hàng của loài khủng long có sừng, tuy nhiên nó không có sừng trên mặt và đỉnh đầu. Nó sở hữu một cái mỏ giống như con vẹt để cắt thực vật.

Repenomamus, một trong những động vật có vú lớn nhất trong thời đại khủng long, có các chi ngắn và dài, đuôi dài, cơ thể uốn lượn, hộp sọ chắc khỏe và hàm răng sắc nhọn. Con thú này có ngoại hình khá giống với con lửng chồn Trung Quốc ngày nay.

Đã có bằng chứng trước đây về thói quen ăn khủng long của Repenomamus. Một hóa thạch Repenomamus từ cùng khu vực có xương Psittacosaurus con trong bụng.

"Phát hiện thú vị này cho thấy rằng Repenomamus có khả năng xử lý một con mồi lớn hơn nó nhiều lần về kích thước," Tiến sĩ Mallon thông tin.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước