Hình minh họa của một họa sĩ mô tả một loài gorgonopsian, họ hàng xa có răng kiếm và là loài ăn thịt thống trị trên cạn đã biến mất cách đây 252 triệu năm. (Ảnh: CNN)
Một loài động vật săn mồi cổ đại, thuộc nhóm động vật có răng kiếm (saber-toothed), vừa được phát hiện tại đảo Mallorca, Tây Ban Nha, đánh dấu một bước đột phá trong nghiên cứu về lịch sử tiến hóa của nhóm động vật này. Đây được cho là hóa thạch động vật có răng kiếm lâu đời nhất từng được tìm thấy, có niên đại từ 280 triệu đến 270 triệu năm trước.
Loài vừa được phát hiện là một thành viên của họ gorgonopsian, nhóm động vật săn mồi thống trị trên cạn trước thời kỳ của khủng long. Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều phần hóa thạch bao gồm răng nanh sắc nhọn, hàm, xương sườn, đuôi và một chi sau. Dựa trên kích thước hộp sọ khoảng 18 cm và trọng lượng từ 30 đến 40 kg, loài này có kích thước tương đương một con chó cỡ vừa.
Một hình minh họa về loài gorgonopsian được mô tả cho thấy các hóa thạch được tìm thấy: răng nanh giống như dao; một phần hàm; một số đốt sống, xương sườn, xương cụt và xương ngón chân; và hầu hết các xương từ chi sau. (Ảnh: Field Museum)
Tuy mang đặc điểm giống bò sát như không có lông hoặc tai ngoài, gorgonopsian thuộc nhóm therapsid - tổ tiên xa của động vật có vú ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho biết, khác với động vật có vú hiện đại chỉ thay răng một lần trong đời, gorgonopsian thay răng liên tục như cá sấu.
Phát hiện này làm rõ khoảng trống lớn trong hồ sơ hóa thạch của nhóm therapsid. Trước đây, các hóa thạch therapsid chủ yếu được tìm thấy trong các khu vực khô cằn tại Nam Phi và Nga, có niên đại dưới 270 triệu năm. Hóa thạch tại Mallorca, một khu vực nằm trong vùng nhiệt đới của siêu lục địa Pangea thời kỳ Permi, cho thấy sự tồn tại của therapsid cổ đại ở những môi trường chưa từng được khám phá kỹ lưỡng.
Một bản đúc xương sườn (trên bên trái), chân (bên phải) và xương bàn chân của loài gorgonopsian.
Tiến sĩ Josep Fortuny, tác giả nghiên cứu, cho biết phát hiện này mở ra cơ hội tìm hiểu sự tiến hóa sớm của nhóm therapsid, từ đó làm sáng tỏ nguồn gốc của động vật có vú. Các chuyên gia cũng nhận định rằng việc phát hiện hóa thạch tại Mallorca có thể dẫn đến những nghiên cứu mới ở các vùng địa lý khác, giúp thu hẹp khoảng trống trong lịch sử tiến hóa của nhóm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!