Trong nghiên cứu công bố ngày 4/6, một nhóm các nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Flinders, bang Nam Australia, cho biết đã phát hiện hộp sọ nguyên vẹn đầu tiên của một loài chim khổng lồ đã tuyệt chủng cách đây hơn 40.000 năm, có tên khoa học là "Genyornis newtoni" (hay còn gọi là chim sấm).
Loài chim này từng sống ở vùng hẻo lánh của Australia và không bay được do cánh kém phát triển. Chúng có hình dáng giống đà điểu nhưng thực tế có họ gần với vịt, ngỗng và thiên nga. Hộp sọ duy nhất được biết đến trước đây của loài này được phát hiện năm 1913 nhưng đã bị hư hại nặng nề và chỉ còn lại rất ít xương.
Nhóm các nhà cổ sinh vật học cho biết họ đã tìm thấy hộp sọ của loài chim "Genyornis newtoni" ở lòng hồ cạn Callabonna cách thủ phủ Adelaide của bang Nam Australia hơn 500 km về phía Bắc, cùng với các hóa thạch gần như hoàn chỉnh của loài chim này. Hộp sọ giúp các nhà nghiên cứu khám phá hệ sinh thái và sự tiến hóa của loài chim "Genyornis newtoni". Các nhà cổ sinh vật học ước tính con chim nặng khoảng 230 kg và có hộp sọ lớn với đầy đủ hàm trên và hàm dưới.
Hộp sọ của Genyornis newtoni, thứ đang giúp giải đáp bí ẩn lâu đời về khuôn mặt của loài chim khổng lồ (Ảnh: Đại học Flinders)
Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện rằng loài chim "Genyornis newtoni" có một số cách thích nghi với môi trường sống dưới nước, giúp bảo vệ tai và cổ họng của chúng khỏi dòng nước tràn vào khi đầu ngập nước. Tuy nhiên, điều này có thể liên quan đến sự tuyệt chủng của loài chim sấm vì các vùng nước ở phía Bắc bang Nam Australia từng là nước ngọt, nhưng giờ đây chủ yếu là các hồ nước mặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!