Loài khủng long được đặt tên là Lishulong wangi, là một trong những loài khủng long chân thằn lằn lớn nhất từng được biết đến tại khu vực này. (Ảnh: CGTN)
Theo một nghiên cứu được công bố trên tờ PeerJ vào ngày 12/12, các hóa thạch được tìm thấy nhiều năm trước ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, đã được xác định là của một loài khủng long mới từ thời kỳ đầu kỷ Jura.
Theo Viện Cổ sinh vật học và Cổ nhân chủng học động vật có xương sống (IVPP), được đặt tên là Lishulong wangi, hóa thạch này đại diện cho một trong những loài khủng long chân thằn lằn đầu tiên lớn nhất được biết đến trong khu vực. Mẫu vật này, bao gồm một hộp sọ nguyên vẹn và 9 đốt sống cổ, đã được khai quật vào năm 2007 tại lưu vực Chuanjie của thành phố Lục Phong.
Phân tích từ các nhà khoa học thuộc IVPP cho thấy Lishulong wangi thuộc nhóm sauropodomorph phân nhánh sớm và có mối quan hệ gần gũi với loài Yunnanosaurus. Hộp sọ của loài này được xác định là lớn nhất từng được tìm thấy trong hệ tầng Lục Phong, làm sáng tỏ thêm về sự tiến hóa của các loài sauropod phân hóa sớm. Hiện nay, hộp sọ và cột sống cổ được bảo quản rất tốt, giúp cung cấp thông tin giá trị về cấu trúc cơ thể và đặc điểm sinh học của loài. Khi còn sống, loài này có thể đạt chiều dài khoảng 8m.
Phát hiện này không chỉ làm tăng sự đa dạng của loài khủng long tại khu vực phía tây nam Trung Quốc mà còn cung cấp dữ liệu quan trọng giúp cải thiện hiểu biết về quá trình tiến hóa của các loài khủng long phân hóa sớm trên thế giới.
Hiện tại, hóa thạch Lishulong wangi đang được trưng bày tại phòng triển lãm Thung lũng Khủng long Lục Phong, thu hút sự quan tâm của công chúng và giới nghiên cứu khoa học. Phát hiện này tiếp tục khẳng định vai trò của tỉnh Vân Nam như một khu vực trọng điểm trong nghiên cứu cổ sinh vật học toàn cầu.
Trước đó, hồi cuối tháng 10, các quan chức Hong Kong (Trung Quốc) cũng thông báo lần đầu tiên phát hiện hóa thạch khủng long trên đảo Port (Đảo Cảng), một hòn đảo hẻo lánh và không có người ở. Hóa thạch thuộc về một loài khủng long lớn sống trong Kỷ Phấn trắng, khoảng 145 đến 66 triệu năm trước, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác định chính xác loài khủng long này.
Vào tháng 11 năm nay, các nhà khoa học Argentina cũng vừa phát hiện hóa thạch nòng nọc khủng long cổ nhất thế giới, cung cấp cái nhìn độc đáo về sự tiến hóa của ếch và cóc từ thời Kỷ Jura.
Hóa thạch nòng nọc lâu đời nhất được biết đến được tìm thấy ở Patagonia, Argentina. (Ảnh: AP)
Cụ thể, các nhà khoa học ở Argentina đã phát hiện hóa thạch được bảo quản tuyệt vời của nòng nọc cổ nhất từng được biết đến, thuộc giai đoạn ấu trùng của một loài ếch lớn sống cùng thời với khủng long cách đây khoảng 161 triệu năm, vào Kỷ Jura.
Mẫu hóa thạch dài 16 cm không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình tiến hóa của ếch và cóc, mà còn cho thấy rằng hình thái nòng nọc ngày nay gần như không thay đổi so với tổ tiên từ thời Kỷ Jura. Theo các nhà nghiên cứu, mẫu hóa thạch nòng nọc này thuộc loài Notobatrachus degiustoi, với phần đầu và phần lớn cơ thể được bảo tồn tốt. Thậm chí, các mô mềm như mắt và dây thần kinh cũng được ghi nhận dưới dạng dấu in tối màu đúng vị trí giải phẫu.
Phát hiện này được thực hiện vào năm 2020 trong một đợt khai quật hóa thạch khủng long tại một trang trại ở tỉnh Santa Cruz, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 2.300 km về phía Nam. Nhà sinh học Mariana Chuliver từ Fundación Azara-Universidad Maimónides - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết: "Đây không chỉ là hóa thạch nòng nọc cổ nhất thế giới được bảo quản kỳ diệu, mà còn cung cấp thông tin về kích thước của một trong số ít loài ếch từ thời kỳ đó".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!