Nghiên cứu mới do nhóm nhà khoa học thuộc Viện Miễn dịch và Các bệnh truyền nhiễm Peter Doherty (Australia) phối hợp với một số nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kỹ thuật Munich (TUM - Đức). Giáo sư nghiên cứu miễn dịch học Axel Kallies thuộc Viện Peter Doherty cho biết, những bệnh nguy hiểm như ung thư, hoặc các bệnh lây nhiễm do virus, có thể gây ra "sự cạn kiệt miễn dịch" ảnh hưởng đến một loại tế bào miễn dịch được gọi là tế bào T. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 18/8.
Trong các nghiên cứu trước đây, nhóm nghiên cứu của ông Kallies cho thấy, không phải tất cả các tế bào T khi chống lại các bệnh mạn tính đều bị cạn kiệt và mất chức năng. Các tế bào gọi là Tpex có thể duy trì chức năng trong một thời gian dài.
Nghiên cứu mới xác định rõ tập hợp con tế bào Tpex có chức năng giống như tế bào gốc, theo đó có vai trò thiết yếu trong việc ngăn chặn sự cạn kiệt tế bào và duy trì các phản ứng lâu dài của tế bào T đối với bệnh nhiễm virus mạn tính. Tiến sĩ Lorenz Kretschmer thuộc TUM và là tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh: "Những tế bào này kéo dài khả năng miễn dịch của tế bào T, cho phép các tế bào T đã cạn kiệt tự tái tạo và duy trì chức năng".
Phát hiện trên giúp giải thích tại sao liệu pháp miễn dịch không hiệu quả đối với một số bệnh nhân, và có thể dẫn đến sự phát triển các liệu pháp mới hiệu quả hơn để điều trị ung thư và các bệnh nhiễm virus như bệnh viêm gan và HIV.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!