Philippines với nguy cơ tăng mạnh số ca mắc/ngày, thế giới trước "cơn sóng thần" COVID-19 mới

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ bảy, ngày 01/01/2022 06:32 GMT+7

Đến nay, hơn 287,99 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 1/1/2022, thế giới có 287,99 trên triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,45 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 55,39 triệu ca mắc và hơn 846.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 144.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong tuần kết thúc vào ngày 28/12, số ca nhập viện trung bình ở độ tuổi từ 0-17 ở Mỹ tăng 66% so với tuần trước đó và là mức cao nhất từ trước tới nay, vượt qua cả mức đỉnh trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra. Nhóm tuổi từ 18-29 có tỷ lệ nhập viện cũng đạt kỷ lục mới. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nặng ở trẻ thấp hơn nhiều so với các nhóm tuổi cao hơn.

Liên quan đến biến thể Omicron, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng, các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 có nhiều khả năng cho kết quả âm tính giả với biến thể Omicron cao hơn so với các biến thể trước đó. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đối diện số ca lây nhiễm gia tăng, nhiều người xếp hàng chờ xét nghiệm PCR và thiếu hụt các bộ xét nghiệm tại nhà.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, xét nghiệm kháng nguyên vẫn phát hiện Omicron nhưng có lẽ giảm độ nhạy. FDA vẫn sẽ tiếp tục chứng nhận sử dụng xét nghiệm kháng nguyên và khuyến cáo mọi người vẫn nên sử dụng theo đúng chỉ dẫn. Bên cạnh đó, FDA cảnh báo, các nhân viên phòng thí nghiệm lâm sàng và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên lưu ý rằng, kết quả âm tính giả có thể xảy ra với bất kỳ xét nghiệm phân tử nào của chủng virus SARS-CoV-2 tùy thuộc vào trình tự của biến thể, thiết kế của bộ xét nghiệm và mức độ phổ biến của biến thể trong quần thể.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 31/12/2021, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,83 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 481.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ bắt đầu áp đặt những quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong dịp đầu năm mới. Theo đó, những hoạt động tụ tập đông người tại các bữa tiệc chào đón năm mới và các địa điểm công cộng bị cấm. Lệnh giới nghiêm ban đêm được áp đặt ở tất cả thành phố lớn. Các nhà hàng được yêu cầu hạn chế số khách.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 619.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,27 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày trên toàn thế giới lần đầu tiên vượt qua mốc 1 triệu người kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm. Theo hãng tin AFP, con số trên được ghi nhận trong giai đoạn từ ngày 23 - 29/12. Số liệu được thu thập dựa trên thống kê được giới chức y tế mỗi nước công bố hàng ngày. Theo đó, hơn 7,3 triệu ca nhiễm mới đã được phát hiện trên khắp thế giới trong 7 ngày qua, trung bình 1.045.000 ca nhiễm/ngày với sự tăng vọt số ca nhiễm biến thể siêu lây nhiễm Omicron.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, một "cơn sóng thần" COVID-19 mới có nguy cơ khiến các hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải. Hơn 85% các ca nhiễm mới xảy ra ở hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Omicron gồm châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.

Philippines với nguy cơ tăng mạnh số ca mắc/ngày, thế giới trước cơn sóng thần COVID-19 mới - Ảnh 1.

Một "cơn sóng thần" COVID-19 mới có nguy cơ khiến các hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải. (Ảnh: AP)

Vùng England của Anh sẽ lập các bệnh viện dã chiến nhằm ngăn chặn nguy cơ quá tải bệnh nhân nội trú vì số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt. Các bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập trong khuôn viên của 8 bệnh viện tại nhiều thành phố, trong đó có London, Bristol và Leeds. Mỗi cơ sở y tế tạm thời này có thể tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân COVID-19 đang hồi phục nhằm giải phóng không gian và nhân viên y tế vốn đang phải đối mặt với tình trạng quá tải.

Ngày 31/12/2021, Anh ghi nhận hơn 189.800 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Số bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện hiện cũng ở mức cao với hơn 10.000 ca tại England, mức cao nhất kể từ tháng 3.

Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao tại Italy cũng như nhiều nước tại châu Âu, chủ yếu do biến thể Omicron có khả năng lây truyền mạnh. Italy đứng thứ 3 về tổng số ca nhiễm mới COVID-19 trong Liên minh châu Âu, chỉ sau Pháp và Đức.

Số ca mắc mới tại Italy đang gia tăng bất chấp việc triển khai tiêm vaccine trên diện rộng. Tính đến ngày 30/12/2021, gần 86% dân số trên 12 tuổi của nước này đã được tiêm vaccine đủ liều.

Kể từ năm mới 2022, Đức sẽ nới lỏng các quy định phòng dịch nghiêm ngặt đối với những người nhập cảnh từ các quốc gia ghi nhận sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, bắt đầu từ ngaày 4/1/2022, tất cả 9 quốc gia đang nằm trong danh sách "các nước có biến thể" Omicron hoành hành (gồm Anh và nhiều quốc gia ở khu vực miền Nam châu Phi) sẽ được đưa ra khỏi danh sách này, nhưng vẫn bị xếp vào danh sách các nước và khu vực có "nguy cơ cao" về dịch bệnh COVID-19. Quyết định này đồng nghĩa với việc nới lỏng quy định cấm nhập cảnh đối với những người không phải là công dân Đức hoặc không có quyền lưu trú tại Đức.

Đến nay, Đức đã ghi nhận tổng cộng hơn 16.700 ca nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên,con số trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều do tình trạng chậm trễ trong công tác báo cáo vì đang là kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Australia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày cuối cùng của năm 2021 với 32.893 trường hợp, trong bối cảnh Chính phủ nước này công bố một số thay đổi về yêu cầu xét nghiệm và cách ly đối với người mắc và người tiếp xúc gần. Số liệu thống kê của hãng truyền thông ABC cho thấy, số ca mắc mới hàng ngày trên toàn Australia đã vượt mức 30.000 ca, con số kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này vào đầu năm 2020.

Indonesia sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số địa điểm là nơi tụ tập đông người đón giao thừa hàng năm nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Riêng tại thủ đô Jakarta, có 10 địa điểm phải thực hiện lệnh giới nghiêm kể từ 22h đêm 31/12/2021. Các địa điểm trên sẽ phải đóng cửa. Việc phân luồng giao thông sẽ được điều chỉnh, không cho đi qua các khu vực này. Khoảng 3.500 cảnh sát và nhân viên của sở giao thông được huy động để kiểm tra việc thực hiện lệnh giới nghiêm.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Đông Java cũng sẽ đóng cửa toàn bộ quảng trường trong tỉnh vào đêm giao thừa nhằm hạn chế tụ tập đón năm mới. Tỉnh này cũng sẽ giới hạn thời gian hoạt động của các địa điểm công cộng, vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm và các hoạt động cộng đồng trong dịp năm mới.

Philippines với nguy cơ tăng mạnh số ca mắc/ngày, thế giới trước cơn sóng thần COVID-19 mới - Ảnh 2.

Từ ngày 12/1, Indonesia sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ ba. (Ảnh: AP)

Ngày 31/12, Chủ tịch Ủy ban Xử lý COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia Indonesia (KCP-PEN) Airlangga Hartarto cho biết, quốc gia này sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine mũi thứ ba ngừa COVID-19 vào ngày 12/1 tới.

Ngày 31/12/2021, giới chức Philippines cảnh báo nguy cơ tăng mạnh số ca mắc COVID-19 trong dịp nghỉ lễ mừng năm mới 2022 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á mới ghi nhận ngày có số ca mắc mới cao nhất trong 2 tháng qua.

Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 2.961 ca mắc mới trong 24 giờ qua và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng lên 10,3%, gấp đôi mức 5% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đến nay, Philippines đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều trong các khu cách ly. Tuy nhiên, do khả năng giải trình tự gene của nước này còn hạn chế nên Bộ trưởng Duque đã đưa ra lưu ý trên. Hiện Philippines đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, với tổng số trên 2,84 triệu ca COVID-19, trong đó có 51.504 trường hợp tử vong.

Chính phủ Lào đang khẩn trương chuẩn bị các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 khi quốc gia này mở cửa trở lại cho khách du lịch từ ngày 1/1/2022. Lào vẫn duy trì kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế dù số ca mắc mới mỗi ngày đang ở mức 4 con số.

Cảng hàng không quốc tế Wattay đã sẵn sàng tiếp nhận những lượt khách quốc tế đầu tiên. Đồng thời, nhiều địa phương thuộc "vùng xanh du lịch" như Vientiane, Luang Prabang… cũng đang chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế. Khách du lịch đến từ 17 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ được phép nhập cảnh Lào bằng thị thực du lịch. Tất cả du khách đều phải tiêm phòng đầy đủ và sẽ được xét nghiệm COVID-19 ngay khi vừa đến Lào. Ngoài ra, các doanh nghiệp liên quan đến du lịch cũng sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và sàng lọc khách tại các khách sạn

Bộ Y tế Lào ngày 31/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.006 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố (chỉ có 1 trường hợp là người nhập cảnh) và 12 người tử vong do COVID-19. Trong đó, thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước với 394 ca lây nhiễm cộng đồng được ghi nhận trong 24 giờ qua. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 111.060 ca, trong đó có 372 người thiệt mạng.

Israel nhận lô thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid đầu tiên Israel nhận lô thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid đầu tiên Số người mắc COVID-19 tại Italy lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca/ngày Số người mắc COVID-19 tại Italy lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca/ngày Mũi vaccine tăng cường của Johnson & Johnson giúp phòng ngừa tới 84% nguy cơ nhập viện Mũi vaccine tăng cường của Johnson & Johnson giúp phòng ngừa tới 84% nguy cơ nhập viện

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước