Tên lửa Terran 1 được phóng từ LC-16 tại Cape Canaveral, bang Florida. (Ảnh: Relativity Space)
Tên lửa Terran 1, do công ty khởi nghiệp hàng không vũ trụ tư nhân Relativity Space (có trụ sở tại bang California, Mỹ) phát triển, đã được phóng vào 23h25 ngày 22/3 (giờ miền Đông nước Mỹ, tức 10h25 ngày 23/3 theo giờ Việt Nam) từ Cape Canaveral, bang Florida.
Theo Relativity Space, tên lửa gặp phải "sự cố bất thường" trong quá trình phân tách ở tầng thứ hai khi hướng về quỹ đạo thấp của Trái đất.
Mặc dù không đạt được quỹ đạo mục tiêu nhưng vụ phóng thành công tên lửa Terran 1 đã chứng minh rằng tên lửa in 3D có thể chịu được sự khắc nghiệt của quá trình phóng lên và bay vào vũ trụ.
Tên lửa Terran 1. (Ảnh: Relativity Space)
Trước đó, tên lửa Terran ban đầu được lên kế hoạch phóng vào ngày 8/3 nhưng đã bị hoãn vào phút chót vì các vấn đề về nhiệt độ nhiên liệu đẩy. Nỗ lực phóng thử lần thứ hai được lên kế hoạch vào ngày 11/3 cũng bị hủy bỏ do vấn đề liên quan đến quy trình tự động và áp suất liên quan đến tên lửa.
Tên lửa Terran 1 có chiều cao 33,5 mét và đường kính 2,2 mét. Khoảng 85% thành phần của tên lửa này được tạo ra bằng phương pháp in 3D dựa trên vật liệu hợp kim, bao gồm cả 9 động cơ Aeon 1 ở tầng thứ nhất và một động cơ Aeon Vacuum ở tầng thứ hai của tên lửa. Tên lửa được thiết kế để có thể đưa khối lượng lên tới 1.250 kg vào quỹ đạo thấp của Trái đất.
Theo Relativity Space, tên lửa Terran 1 là vật thể in 3D lớn nhất từ trước đến nay và được sản xuất bằng máy in kim loại 3D lớn nhất thế giới. Tên lửa in 3D này có số bộ phận ít hơn 100 lần so với tên lửa truyền thống. Chi phí và thời gian chế tạo tên lửa cũng ngắn hơn, chỉ trong khoảng 60 ngày. Năng lượng mà các động cơ của Terran 1 sử dụng là oxy lỏng và khí tự nhiên lỏng, vốn được xem là "động cơ đẩy của tương lai", có khả năng cung cấp nhiên liệu cho những hành trình tới sao Hỏa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!