Đó là trách nhiệm không hề dễ dàng khi phụ nữ phải lo kiếm tiền trong khi vẫn phải chăm sóc nhà cửa, con cái.
Trong cuộc họp hàng tháng của những người phụ nữ ở một ngôi làng nhỏ tại bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ, họ hẹn nhau tới đây để cùng xem tháng vừa qua họ đã kiếm được bao nhiêu và bàn bạc về những dự định kinh doanh nhỏ sắp tới
Chị Mansa là một trong hàng chục phụ nữ ở ngôi làng nhỏ Prahladpur được Hội chị em giúp đỡ để vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19. Chị được hỗ trợ thuê một mảnh đất nhỏ để trồng rau và hoa quả. Yêu cầu hạn chế kinh doanh ở các bang chỉ áp dụng với nhà hàng, do đó, những gánh rau quả của Mansa đã giúp chị kiếm được "đồng ra đồng vào".
Nhiều phụ nữ Ấn Độ được hỗ trợ thuê đất để trồng rau và hoa quả. (Ảnh minh họa: Reuters)
Xuất phát điểm là từ những hộ khó khăn, mô hình Hội chị em đã giúp nhiều phụ nữ nông thôn thoát nghèo. Thậm chí, khi đã ổn định hơn về kinh tế, họ sẽ đóng góp một số tiền nhất định về quỹ của hội, từ đó giúp những phụ nữ khác. Ngôi làng này đang được coi là hình mẫu trong việc đối phó với đại dịch và những ảnh hưởng kinh tế vi mô của nó đối với các hộ gia đình.
Ngày 6/9, Ấn Độ đã vượt Brazil, trở thành tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết, với hơn 90.600 ca mắc mới, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã tăng lên hơn 4,2 triệu trường hợp. Hiện đã có trên 71.600 người tử vong do đại dịch ở Ấn Độ.
Theo số liệu của Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), trong vài tuần gần đây, Ấn Độ tập trung mở rộng xét nghiệm COVID-19, dẫn tới số ca mắc mới hàng ngày tăng mạnh. Với số ca mắc mới liên tục gia tăng ở mức hơn 80.000 ca trong 4 ngày liên tiếp, ngày 6/9, Ấn Độ đã trở thành 1 trong 3 quốc gia trên thế giới ghi nhận hơn 4 triệu ca.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!