Quan hệ Nga - Trung Quốc đang tốt nhất trong lịch sử

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 19/12/2021 09:57 GMT+7

VTV.vn - Tám ngày sau cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc họp tương tự với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trái với không khí bất đồng, phủ bóng bằng các khác biệt liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là Ukraine trong cuộc trao đổi với ông Joe Biden, ông Putin đã có một tiếng rưỡi trong bầu không khí cởi mở thân thiện với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Một mô hình hợp tác mới đã được hình thành giữa hai quốc gia của chúng ta, cùng với những nguyên tắc khác, như không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng lợi ích của nhau, quyết tâm biến biên giới chung thành vành đai của hòa bình mãi mãi và láng giềng tốt đẹp".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Tổng thống Putin, người bạn lâu năm của tôi, ông đã luôn giữ lập trường bảo vệ các lợi ích cốt lõi và kiên quyết phản đối các nỗ lực nhằm cản trở quan hệ hai quốc gia. Tôi đánh giá cao điều này, tôi muốn cùng ông vạch ra kế hoạch hợp tác sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực thúc đẩy quan hệ hai nước theo hướng phát triển bền vững, chất lượng cao".

Trợ lý của Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết, tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nga -Trung Quốc đặc biệt chú ý đến sự cần thiết tăng cường nỗ lực hình thành một cấu trúc tài chính độc lập để phục vụ các hoạt động thương mại giữa hai nước, ngăn chặn các nước thứ ba gây ảnh hưởng.

Quan hệ Nga - Trung Quốc đang tốt nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Ông Putin đã có cuộc đối thoại một tiếng rưỡi với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bầu không khí cởi mở, thân thiện.

Ông Yuri Ushakov - Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Nga: "Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh rằng ông ấy hiểu những quan ngại của Nga và hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của chúng tôi nhằm xây dựng một số đảm bảo an ninh nhất định cho Nga".

Cũng theo ông Ushakov, cả Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều ủng hộ việc tăng tỉ trọng đồng tiền quốc gia trong các thanh toán lẫn nhau và mở rộng hợp tác để cung cấp cho các nhà đầu tư quyền tiếp cận thị trường vốn của nhau.

Đây có thể coi là cách Nga - Trung Quốc đáp trả đe dọa của phương Tây về "ngắt kết nối" Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nhưng nằm dưới sự chi phối của Mỹ và phương Tây. Về an ninh, hai nguyên thủ đã lên án việc thành lập các cơ chế hợp tác hai nước coi là có tính liên minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương,

Ông Yuri Ushakov - Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Nga: "Hai bên đã chia sẻ những lo ngại trước những nỗ lực của Mỹ nhằm điều chỉnh lại tình hình hiện tại tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi và Trung Quốc đều có thể hiện những quan điểm tiêu cực về việc thành lập những hình thức liên minh mới, chẳng hạn nhóm Bộ Tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cơ chế AUKUS".

Quan hệ Nga - Trung Quốc đang tốt nhất trong lịch sử - Ảnh 2.

Cả Nga và Trung Quốc đều đang muốn "chống lưng cho nhau" và tạo ra các hậu phương đáng tin cậy.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề kinh tế, việc Nga cung cấp ngũ cốc cho Trung Quốc, dự án đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia-2, tạo ra cơ sở hạ tầng tài chính độc lập cho các hoạt động thương mại Nga - Trung, liên kết các sáng kiến hội nhập trong Liên minh Kinh tế Á-Âu với sáng kiến Vành đai và Con đường.

Áp lực phương Tây với Nga

Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến Nga - Trung Quốc diễn ra trong thời điểm mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, liên minh châu Âu và NATO đang xấu đi trông thấy trong thời gian ngắn gần đây.

Ngày 12/12, Dự thảo tuyên bố sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 nhất trí yêu cầu Nga giảm leo thang căng thẳng gần Ukraine và giảm hiện diện quân sự tại đây. Nga bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng đây là những hoạt động quân sự bên trong lãnh thổ mình và không gây bất kỳ mối đe dọa nào.

Đến ngày 13/12, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc chủ động triển khai lực lượng ở Đông Âu trong trường hợp căng thẳng leo thang, điều phía Nga cho là một động thái kích động.

Ngày 15/12, hai nhà lãnh đạo Nga Trung hội đàm trực tuyến, còn Đức tuyên bố, trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga tại nước này.

16/12, Đức tuyên bố Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2022, điều Nga cho rằng đang chính trị hóa một dự án hợp tác kinh tế.

Quan hệ Nga - Trung Quốc đang tốt nhất trong lịch sử - Ảnh 3.

Mặt trận chống phương Tây vẫn chưa mang sắc thái của một liên minh quân sự, nhưng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn.

Liên minh châu Âu cho biết, khối này cũng đang thảo luận với Mỹ và Anh về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga. Có thể thấy rất nhiều áp lực từ Mỹ và các nước châu Âu

Cả Nga và Trung Quốc đều đang muốn "chống lưng cho nhau"

Theo báo chí Nga, cuộc đàm phán của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đánh dấu đỉnh cao của một năm ngoại giao đối với Nga và Trung Quốc khi hai bên tiếp tục xích lại gần nhau để đáp lại các chính sách ngăn chặn của phương Tây. Trước sức ép từ Mỹ và phương Tây, cả Nga và Trung Quốc đều đang muốn "chống lưng cho nhau" và tạo ra các hậu phương đáng tin cậy.

Nhiều tờ báo Nga nhận định, đối thoại giữa Moscow và Bắc Kinh là một phản ứng trước những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joseph Biden nhằm tạo ra một liên minh các nền dân chủ. Mỗi bên coi bên kia là trụ cột trong việc chống lại những thách thức bên ngoài. Đối với Nga, những thách thức này gắn liền với hoạt động của Mỹ và NATO trong không gian hậu Xô viết và ở châu Âu, đối với Bắc Kinh - với các liên minh chống Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trang Argumenti phân tích, mặt trận chống phương Tây vẫn chưa mang sắc thái của một liên minh quân sự, nhưng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn. Cuộc hội đàm giữa Nga và Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm cuộc đối đầu với Mỹ đang gia tăng. Phương Tây cáo buộc Putin chuẩn bị tấn công Ukraine và Tập Cận Bình vi phạm quyền của các dân tộc thiểu số.

Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Kinh tế của Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Andrey Ostrovsky cho rằng, phản ứng mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc đối với người Mỹ là tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và quân sự. Nga - Trung tuyên bố không thành lập liên minh quân sự. Nhưng Hiệp ước về láng giềng thân thiện và hữu nghị đã được gia hạn thêm 5 năm. Và trong trường hợp cần thiết, hai bên có thể ký kết một hiệp định quân sự.

Quan hệ Nga - Trung Quốc đang tốt nhất trong lịch sử - Ảnh 4.

Tập trận chung Nga - Trung Quốc

Ông Vladimir Batyuk, chuyên gia cao cấp Viện Mỹ và Canada, Viện hàn lâm khoa học Nga cũng khẳng định, quan hệ Nga - Trung từ định dạng trước đây là "quan hệ đối tác chiến lược" không ràng buộc, dưới áp lực của phương Tây, đang tiến tới một giai đoạn hợp tác mới - một liên minh quân sự trên thực tế nhưng không theo tiêu chuẩn pháp lý quốc tế một cách chính thức.

Quan hệ Nga - Trung Quốc tốt nhất trong lịch sử

"Không phải là đồng minh, mà tốt hơn đồng minh" - Áp lực từ Mỹ và phương Tây đã đưa Nga và Trung Quốc đến bước hợp tác chiến lược chặt chẽ với sự phát triển tốt đẹp chưa từng thấy. Hơn lúc nào hết, Nga cần có Trung Quốc hậu thuẫn giữa lúc Moscow đang phải đối mặt với nguy cơ trừng phạt từ phương Tây vì căng thẳng biên giới với Ukraine.

Áp lực từ Mỹ và phương Tây với Trung Quốc đáng nói là cũng gia tăng không nhỏ thời điểm này. Mỹ và nhiều đồng minh tuyên bố tẩy chay ngoại giao với Olympic Bắc Kinh 2022. Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo bổ sung 8 công ty Trung Quốc vào danh sách các công ty liên hợp công nghiệp quốc phòng và cấm đầu tư vào các công ty này, đồng thời Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật cấm nhập khẩu tất cả mặt hàng từ Tân Cương, Trung Quốc. Áp lực song song lên đồng thời cả hai quốc gia phương Đông đang là tác nhân lớn khiến hai nước tìm kiếm sự gần gũi hơn, cùng ứng phó với các thách thức bên ngoài.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày càng sâu sắc chưa từng có và diễn ra vào thời điểm căng thẳng với phương Tây leo thang. Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Trong vài năm qua chúng ta phải công nhận rằng ngày càng có nhiều thách thức mới. Nước Nga đang không hành động theo cách phù hợp với những gì chúng ta đã hy vọng và Trung Quốc cũng vậy".

Động thái tập hợp lực lượng của Mỹ trong thời gian qua như cùng Anh và Australia thành lập cơ chế hợp tác quân sự mới AUKUS, được giới phân tích đánh giá như là một biện pháp để kiềm chế Nga và Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quan hệ Nga - Trung Quốc đang tốt nhất trong lịch sử - Ảnh 5.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Nga

Ông Danil Bochkov - Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga: "Các động thái như vậy chắc chắn sẽ khuyến khích Trung Quốc tiến hành hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, tìm giải pháp phản ứng với các hành động họ cho là thù địch".

Những phản ứng này bao gồm các cuộc tập trận chung Nga - Trung Quốc trong thời gian gần đây, cũng như hợp tác ngày càng tăng trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ quốc phòng, định vị vệ tinh, hệ thống chống tên lửa và thăm dò không gian. Nga và Trung Quốc coi mối quan hệ của họ là 'quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện'. Tuyên bố chung ngày 28/6 năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước láng giềng tốt và hợp tác thân thiện, nhấn mạnh rằng quan hệ Nga - Trung Quốc không tạo thành một "liên minh quân sự và chính trị".

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, việc các thỏa thuận kiểm soát vũ khí bị phá vỡ và các cuộc xung đột tiềm tàng ở các khu vực khác nhau trên thế giới ngày càng gia tăng, hợp tác Nga - Trung Quốc đóng vai trò ổn định trong các vấn đề toàn cầu".

Hai nước xích lại gần nhau hơn không chỉ về mặt quốc phòng mà còn cả về kinh tế. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại quốc gia hàng đầu của Nga. Kim ngạch thương mại song phương lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2021. Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực như thương mại, dầu mỏ và khí đốt, tài chính, hàng không và vũ trụ, cũng những dự án chiến lược lớn khác.

Động thái mới của Nga và Trung Quốc có thể coi là diễn biến nổi bật trong những ngày cuối cùng của năm 2021 nhiều chuyển dịch trên bàn cờ địa chính trị. Một động thái chia sẻ lợi ích, đồng thời chia sẻ thách thức hai bên cùng đối diện. 2021 đã là một năm chứng kiến nhiều động thái tập hợp lực lượng mới, cho thấy các tính toán của các nước trước một cục diện cạnh tranh chiến lược đang biến đổi và báo hiệu nhiều sự sôi động mới trong thời gian tới.

Nga - Trung Quốc thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương Nga - Trung Quốc thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương Liệu Trung Á có trở thành 'cái gai' trong quan hệ Nga - Trung Quốc? Liệu Trung Á có trở thành "cái gai" trong quan hệ Nga - Trung Quốc? Trung Quốc - Nga củng cố quan hệ song phương để phát triển Trung Quốc - Nga củng cố quan hệ song phương để phát triển

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước