Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters
Nếu được triển khai, đây sẽ là gói cứu trợ lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ và được cho là biện pháp "mạnh tay" của chính quyền Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế.
Sau 15 giờ tranh luận và biểu quyết về hàng chục sửa đổi, Thượng viện Mỹ rơi vào bế tắc. Số thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối và số thượng nghị sĩ Dân chủ đồng ý thông qua gói cứu trợ là bằng nhau. Thế bế tắc chỉ được phá vỡ khi Phó Tổng thống Kamala Harris, với vai trò Chủ tịch Thượng viện, người của đảng Dân chủ bỏ lá phiếu quyết định.
Bà Kamala Harris - Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Mỹ cho biết: "Số phiếu đồng ý là 50, số phiếu không đồng ý là 50. Phó Tổng thống chọn đồng ý. Như vậy kết quả là gói cứu trợ đã được chấp thuận".
1.000 tỉ USD trong gói hỗ trợ sẽ được chuyển trực tiếp các gia đình Mỹ. Mỗi người dân Mỹ dự kiến sẽ nhận thêm được 1.400 USD. Khoảng 450 tỉ USD được chi để đối phó với dịch COVID-19 và triển khai tiêm vaccine cho người dân. Hàng trăm tỉ USD được chi cho việc mở cửa trở lại các trường học, hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp.
Trước đó, gói cứu trợ vấp phải sự phản đối của một số thành viên đảng Cộng hòa khi số này chỉ muốn tìm kiếm thỏa thuận nhỏ hơn, khoảng 600 tỉ USD. Nhiều ý kiến lo ngại việc bơm lượng tiền quá lớn vào nền kinh tế sẽ làm gia tăng nợ công, lạm phát và bong bóng tài chính tại Mỹ. Năm 2020, Mỹ đã chi khoảng 4.000 tỉ USD để đối phó với dịch COVID-19.
Dự kiến đây sẽ là gói cứu trợ kinh tế lớn đầu tiên được Tổng thống Joe Biden ký ban hành trong nhiệm kỳ của mình nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế tại Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!