Sáng kiến mới về lúa mì Nga nhằm hỗ trợ giải quyết khủng hoảng lương thực

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 22/11/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ngày 21/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một sáng kiến mới liên quan lúa mì Nga nhằm hỗ trợ giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Putin đã nhất trí về kế hoạch nhập khẩu lúa mì từ Nga để sản xuất bột mì tại Thổ Nhì Kỳ và cung cấp miễn phí cho các nước kém phát triển.

Trước đó, ngày 17/11 vừa qua, Nga và Ukraine nhất trí gia hạn thêm 120 ngày thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực cho các thị trường trên toàn cầu.

Thiếu phân bón đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

Hôm nay, một tàu chở 20.000 tấn phân NPK của Nga rời cảng ở Hà Lan đi Malawi. Việc này được kỳ vọng giúp giảm sự ùn ứ của 300.000 tấn phân bón của Nga tại các cảng ở châu Âu.

Xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga vấp phải những cản trở từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Nga là một trong những nhà cung cấp kali, phân lân và phân đạm lớn nhất thế giới, chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu. Xuất khẩu phân bón của Nga bị giảm sút dẫn tới một cuộc khủng hoảng thiếu phân bón có nguy cơ gây mất an ninh lương thực toàn cầu.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mới được gia hạn hồi tuần trước góp phần đảm bảo cho Nga vận chuyển lương thực và phân bón mà không đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Liên hợp quốc đang hướng đến một giai đoạn gia hạn dài hơn, sau thời hạn 120 ngày vừa đạt được.

Sáng kiến mới về lúa mì Nga nhằm hỗ trợ giải quyết khủng hoảng lương thực - Ảnh 1.

Bà Rebeca Grynspan - Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển: "Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là liên quan tới xuất khẩu phân bón. Bởi vì chúng ta vẫn đang chứng kiến cuộc khủng hoảng về phân bón, không chỉ là về khối lượng, mà còn về giá cả bị tác động bởi nhiều yếu tố. Điều đó đang làm giảm giá trị sản phẩm, đặc biệt là đối với nông dân sản xuất theo quy mô vừa và nhỏ, ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau theo những cách khác nhau".

Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đang đẩy mạnh cảnh báo về cuộc khủng hoảng gia tăng đối với phân bón, khi các quốc gia dễ bị tổn thương ở các khu vực như châu Phi phải vật lộn với giá đã tăng 300% kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.

Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết, các nông hộ sản xuất nhỏ cung cấp thức ăn cho phần lớn người dân đang thiếu 2 triệu tấn phân bón.

Giá phân bón cao sẽ đồng nghĩa với việc ít thực phẩm hơn vào thời điểm mà mọi người cần nhất, với thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn và xung đột Nga - Ukraine vẫn khiến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu bất an.

Ông David Beasley - Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc: "Nga xuất khẩu nhiều phân bón hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Không cần biết thái độ của bạn với Nga ra sao, bạn cần phải để những ngũ cốc và phân bón của Nga được lưu thông, nếu không người dân khắp nơi trên thế giới sẽ chết đói. Trong số 8 tỷ người trên Trái đất, 50% phụ thuộc vào phân bón. Vì vậy, chúng ta phải để phân bón lưu thông, không có thời gian để lãng phí, toàn bộ hành tinh đang bị đe dọa".

Cuộc xung đột Nga - Ukraine gây thêm áp lực lên cộng đồng quốc tế vốn đã lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực trên khắp hành tinh do biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh khủng hoảng chồng khủng hoảng, các quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của mình đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Khủng hoảng lương thực tại Venezuela, động vật trong sở thú chết đói Khủng hoảng lương thực tại Venezuela, động vật trong sở thú chết đói

VTV.vn - Khủng hoảng lương thực không chỉ ảnh hưởng đến người dân Venezuela mà sở thú Caricuap, sở thú lớn nhất tại thủ đô Caracas, cũng bị ảnh hưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước