Nhằm bảo vệ môi trường biển và hạn chế rác thải nhựa, nhiều nhãn hàng thời trang Anh như: Batoko, Patagonia và Auria đã giới thiệu các mẫu áo tắm được làm 100% từ rác thải nhựa tái chế hoặc dệt thủ công bằng sợi từ lưới đánh cá bỏ đi.
Hãng thể thao Adidas đang lên kế hoạch chặn các loại rác thải nhựa trước khi chúng trôi ra biển để tái chế thành các cuộn sợi làm giày. Adidas đã sản xuất hơn 5 triệu đôi giày từ rác thải nhựa trong năm 2018 và sẽ dùng 100% nguyên liệu polyester tái chế vào năm 2024.
Tận dụng nhựa phế thải là hướng đi mới của ngành xây dựng. Công ty xây dựng MacRebur có trụ sở tại Scotland đã thực hiện dự án thay thế 20% lượng nhựa đường truyền thống bằng cách chế tạo hợp chất kết dính từ rác thải nhựa chỉ tan chảy ở nhiệt độ 120oC. Mỗi tấn nhựa đường giúp tái chế 20.000 chai nhựa hoặc 70.000 túi nylon sử dụng một lần.
Trong khi đó, tại Bờ Biển Ngà, Công ty tái chế Conceptos Plasticos đã sử dụng rác thải nhựa để sản xuất gạch nhựa xây 500 phòng học cho hơn 25.000 trẻ em trong 2 năm tới. Gạch nhựa đảm bảo tính cách nhiệt, chống cháy, chống nước, nhẹ hơn 20% và có tuổi thọ dài hơn hàng trăm năm so với gạch thông thường.
Nhà máy đầu tiên trên thế giới sản xuất sáp từ chất thải nhựa vừa được đưa vào hoạt động tại Ireland. Dự kiến, từ 2 tấn chất thải nhựa sẽ thu được 1 tấn sáp EnviroWax để sản xuất mỹ phẩm, nến, kẹo cao su và các chất bôi trơn trong công nghiệp cơ khí. Các nhà khoa học từ Đại học Chester của Anh đã tìm ra giải pháp biến các loại rác nhựa thành nhiên liệu hydro hoặc điện năng có thể dùng cho ô tô hoặc các hộ gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!