Saudi Arabia thúc đẩy quan hệ với châu Á

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ bảy, ngày 23/02/2019 07:00 GMT+7

VTV.vn - Tiếp tục chặng hành trình công du châu Á, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đang có mặt tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Đây là chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du của ông sau Pakistan và Ấn Độ. Ngày 22/2, Thái tử Mohammed bin Salman đã cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có cuộc hội đàm song phương với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính. Hai bên đã chứng kiến việc ký kết nhiều văn bản hợp tác song phương.

Tháp tùng đoàn của Thái tử Saudi Arabia tới Trung Quốc có lãnh đạo của Tập đoàn dầu mỏ Aramco. Tập đoàn này đã ký một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD xây dựng một khu phức hợp lọc và hóa dầu tại Trung Quốc. Aramco sẽ cung cấp tối đa 70% lượng dầu thô nguyên liệu cho khu phức hợp này, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Thỏa thuận đầu tư này có thể giúp Saudi Arabia giành lại vị trí đối tác xuất khẩu dầu lớn nhất tới Trung Quốc.

Saudi Arabia thúc đẩy quan hệ với châu Á - Ảnh 1.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: SPA

Chuyến công du châu Á của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa nước này với Mỹ và các nước phương Tây đang căng thẳng xung quanh vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Phóng viên Anh Phương, Thường trú Đài THVN tại Trung Đông sẽ cung cấp thêm thông tin tới quý vị về chuyến công du này.

Theo anh Anh Phương, qua chuyến công du lần này, Saudi Arabia muốn gửi một thông điệp gì tới thế giới?

Nhìn vào một số kết quả nổi bật mà Thái tử Saudi Arabia đã đạt được như: Tại Ấn Độ, lần đầu tiên Riyahd và New Dehli thống nhất sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung trên biển hay tại Trung Quốc, 2 bên đã nhất trí một kế hoạch gắn kết chiến lược vành đai con đường của Trung Quốc với Chương trình cải cách Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia; phía Trung Quốc còn gọi Saudi Arabia là một đồng minh mạnh mẽ của Bắc Kinh trong chiến lược phát triển Vành đai và Con đường, một số nhà quan sát gọi đây là chiến lược hướng Đông của Saudi Arabia. Và cho dù phía Riyadh có thực sự đã đề ra một chiến lược hướng Đông hay không, những bước đi vừa qua rõ ràng cũng khiến người ta cảm nhận được rằng Saudi Arabia đang cho thấy họ có những con đường khác để đi trong cơn bão ngoại giao từ vụ Jamal Khasoggi.

Chuyến công du được cho cũng là cần thiết trong bối cảnh các lệnh cấm vận Iran đang có dấu hiệu giảm xung lực. Mỹ hiện vẫn dành sự miễn trừ chưa biết bao giờ mới kết thúc cho một loạt quốc gia. Chuyến công du 3 nước, đặc biệt là tới Trung Quốc được dự báo rất có thể sẽ là một cách để Saudi Arabia hối thúc Mỹ có những bước đi mạnh mẽ hơn tại Trung Đông, nếu không muốn đồng minh số một của họ tại vùng Vịnh có những bước đi chệch khỏi quỹ đạo mong muốn của Washington.

Chuyến công tới 3 nước châu Á lần này của Thái tử Mohammed bin Salman đang mang lại một cú hích trong mục tiêu thúc đẩy các dự án kinh tế kỷ nguyên hậu dầu mỏ.

Tại Pakistan, Thái tử bin Salman đã chứng kiến việc ký kết các thỏa thuận đầu tư với (Riyadh) trị giá lên tới 20 tỷ USD.

Còn khi ở thăm Ấn Độ, Thái tử bin Salman cho rằng, quốc gia vùng Vịnh này đang thấy một cơ hội đầu tư 100 tỷ USD tại Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó phải kể đến lĩnh vực năng lượng và sản xuất.

Còn với Trung Quốc, đây là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ.

Tại sao Saudi Arabia lại chọn 3 quốc gia là Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc để tới thăm trong chuyến thăm này?

Có thể thấy việc công du Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc giống như chọn những trái ngọt dễ hái. Cả 3 nước đều là những quốc gia đang nhập một lượng lớn dầu lớn từ Saudi Arabia nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Ấn Độ và Pakistan thậm chí mỗi nước còn có tới gần 3 triệu lao động đang xuất khẩu tại Saudi Arabia. Nhưng còn một nhân tố khác khiến Thái tử Bin Salman đặc biệt muốn hướng các nỗ lực ngoại giao của mình tới 3 quốc gia này đó là Iran. Thực tế, cả 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ hay Pakistan đều đang thi hành một chính sách ngoại giao khá cởi mở với Iran. Saudi Arabia không muốn nhìn thấy điều này và họ sợ rằng nếu chậm chân Tehran có thể sẽ đi trước trong việc quyến rũ 3 quốc gia này với những lợi ích kinh tế, từ đó phá thế cấm vận của Mỹ và các nước vùng Vịnh.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cũng chỉ còn chưa tới 2 năm. Saudi Arabia đang muốn đẩy nhanh hơn nữa thế cô lập Iran, còn để đến nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ tiếp theo chưa biết sẽ thế nào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước