Theo Bộ Y tế Thụy Sĩ, một nam giới khoảng 30 tuổi đã tử vong sau khi lây bệnh sởi từ một người thân trong gia đình. Trước đó, bệnh nhân chưa từng tiêm vaccine phòng sởi và 67 giờ sau khi được xác định đã phơi nhiễm với virus sởi thì mới tiêm 1 mũi vaccine. Tuy nhiên, việc tiêm phòng quá muộn khi người này đã khởi phát những triệu chứng đầu tiên của bệnh.
Trường hợp còn lại là một nam giới, khoảng 70 tuổi, có hệ miễn dịch suy giảm do mắc ung thư. Bệnh nhân đã tử vong sau khi bị biến chứng viêm phổi do sởi. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Thụy Sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm phòng sởi, đồng thời nhấn mạnh biện pháp này không chỉ bảo vệ bản thân người được tiêm phòng mà còn giúp hạn chế tình trạng lây lan virus trong cộng đồng.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách gia tăng lo ngại về hậu quả của phong trào "chống vaccine" khi số ca nhiễm sởi trên toàn cầu tăng vọt. Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo trong 3 tháng đầu năm nay, thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, WHO lên tiếng cảnh báo tỷ lệ tiêm vaccine giảm mạnh.
Sởi là căn bệnh lây nhiễm cao có khả năng dẫn đến mù lòa, điếc, tổn thương não và tử vong. Căn bệnh này hiện đang làm bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có các nước châu Âu, Mỹ, Philippines, Thái Lan và Tunisia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!