Nhiều tòa nhà bị phá hủy ở Antakya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, trong trận động đất. (Ảnh: AP)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thừa nhận "những thiếu sót" trong phản ứng của nước này đối với trận động đất kinh hoàng nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua, cho đến nay đã khiến hơn 17.000 người tử vong.
Ông Erdogan đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề tại Gaziantep, Osmaniye và Kilis vào ngày 9/2, giữa những lời chỉ trích rằng phản ứng của chính phủ đã quá chậm.
Tổng thống Erdogan đã đến thăm tỉnh Hatay bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi có hơn 3.300 người thiệt mạng và toàn bộ khu vực lân cận bị phá hủy. Trước sự thất vọng ngày càng tăng, ông Erdogan đã thừa nhận các vấn đề về phản ứng khẩn cấp nhưng cho biết, thời tiết lạnh giá mùa đông cũng là một yếu tố.
Ông Erdogan nói: "Không thể chuẩn bị cho một thảm họa như vậy. Chúng tôi sẽ không bỏ mặc bất kỳ công dân nào của mình".
Phát biểu khi đến thăm một số vùng thảm họa vào ngày 8/2, ông Erdogan tuyên bố sẽ thực hiện "mọi bước cần thiết" và đoàn kết quốc gia để "không bỏ mặc bất kỳ công dân nào".
Tổng thống Erdogan nói chuyện với những người sống sót khi ông đến thăm thành phố bị phá hủy bởi trận động đất hôm 6/2 ở Kahramanmaras. (Ảnh: AP)
Ông cho biết, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ 10.000 Lira (438 Bảng Anh) cho các gia đình bị ảnh hưởng.
Tại thành phố Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ, cựu nhà báo Ozel Pikal, người tham gia nỗ lực giải cứu, cho biết, ông nghĩ rằng ít nhất một số nạn nhân đã chết cóng khi nhiệt độ giảm xuống -6°C.
"Tính đến hôm nay, không còn hy vọng nào ở Malatya", ông Pikal nói. "Không ai còn sống sót bước ra từ đống đổ nát".
Các chuyên gia cho biết, "cánh cửa" sống sót cho những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát hoặc không thể có được những nhu yếu phẩm cơ bản đang đóng lại nhanh chóng
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường bị tàn phá và thiệt hại trong khu vực khiến việc tiếp cận tất cả các địa điểm cần được trợ giúp trở nên khó khăn, trong khi lực lượng cứu hộ bị thiếu hụt.
Theo cơ quan quản lý thiên tai, hơn 110.000 nhân viên hiện đang tham gia vào nỗ lực cứu hộ và trên 5.500 phương tiện, bao gồm máy kéo, cần cẩu, máy ủi và máy xúc đã được chuyển đến. Tuy nhiên, nhiệm vụ này là rất nặng nề với hàng nghìn tòa nhà bị đổ sập bởi trận động đất.
Tình nguyện viên phân phát hàng cứu trợ cho người dân ở Antakya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AP)
Trong nhiều năm, người dân Aleppo phải đối mặt với oanh tạc và giao tranh khi thành phố của họ, từng là thành phố lớn nhất và mang tính quốc tế nhất của Syria, lại nằm trong số những vùng chiến sự khốc liệt nhất của cuộc nội chiến. Và họ không chuẩn bị cho sự tàn phá kinh hoàng do trận động đất vào đầu tuần này gây ra.
Nhiều người quá sợ hãi để trở về nhà, ngay cả khi nơi họ ở không bị phá hủy trong trận động đất dữ dội. Nhiều người đang trú ẩn trong các trường học, tu viện...
Các tổ chức từ thiện và chính phủ đã phải vật lộn để nhận viện trợ trong bối cảnh các cửa khẩu vẫn đóng cửa trong nhiều năm vì căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, đất nước của ông không "phớt lờ" việc nhận viện trợ ở những nơi cần thiết ở Syria, nhưng thiệt hại đang khiến các nỗ lực trở nên khó khăn hơn. Cổng Cilvegozu đã được mở, dẫn vào tỉnh Idlib do phe đối lập nắm giữ mặc dù đường sá bị hư hại.
Ông nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mở không phận cho các chuyến bay chở viện trợ quốc tế đến các sân bay của Syria, chẳng hạn như sân bay ở Aleppo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!