Số người mắc COVID-19 toàn cầu vượt mốc 266 triệu ca, vaccine duy trì hiệu quả với cả biến thể Omicron

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ hai, ngày 06/12/2021 06:11 GMT+7

Hơn 266 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 6/12, thế giới có trên 266 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,27 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 49,95 triệu ca mắc và hơn 808.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 22.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 5/12, giới chức y tế Mỹ cho biết đã phát hiện 10 ca mắc COVID-19 trên một tàu du lịch của Na Uy trở về thành phố New Orleans, bang Louisiana. Theo thông báo của Sở Y tế bang Louisiana, tàu Breakaway của Na Uy khởi hành từ New Orleans vào ngày 28/11 và dừng chân ở Belize, Honduras và Mexico trong chuyến hành trình. Tàu chở hơn 3.200 người.

Cùng ngày, trong chương trình "This Week" của ABC News, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết, cơ quan này đang dõi theo chặt chẽ tình hình liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và số ca nhiễm biến thể mới này ở Mỹ "nhiều khả năng sẽ tăng". Tính đến thời điểm hiện tại, biến thể Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 16 bang tại Mỹ.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/12, nước này ghi nhận gần 9.000 ca mắc mới COVID-19. Số ca tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ cùng ngày đã tăng mạnh, lên lên gần 2800 trường hợp. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất trong vòng nửa năm qua ở Ấn Độ. Trong những ngày qua, số ca tử vong của nước này dao động quanh mức khoảng 400 ca/ngày. Hiện tổng cộng trên 34,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 473.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này. Vài tháng gần đây, dịch bệnh đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại Ấn Độ sau đợt bùng phát mạnh hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Theo các chuyên gia dịch tễ, có thể do phần lớn người dân Ấn Độ đã có kháng thể thông qua lây nhiễm tự nhiên.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 615.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi (cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ) trong tổng số trên 22,1 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Thị trưởng thành phố Rio de Janeiro của Brazil đã quyết định hủy bỏ các hoạt động đón mừng năm mới sau khi nước này xác nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron. Việc hủy bỏ bữa tiệc vốn thu hút hàng triệu người dân và khách du lịch đến bãi biển Copacabana nổi tiếng thế giới để xem pháo hoa đã khiến nhiều người tiếc nuối. 

Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đánh giá rằng, kể cả với ca mắc biến thể mới Omicron, vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả. Thậm chí, những người từng mắc các biến chủng trước đó dường như không được bảo vệ chống lại biến thể Omicron nhưng vaccine vẫn có thể giúp ngăn các ca nhiễm này chuyển nặng.

Nhiều hãng dược phẩm và các quốc gia đã bắt đầu nghiên cứu cập nhật phiên bản vaccine hiện có để ngăn ngừa được nhiều biến thể, bao gồm cả biến thể mới Omicron. Các mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine đang là giải pháp tối ưu chống lại biến thể mới.

Cơ quan Thống kê Nga đã báo cáo, có gần 75.000 ca tử vong liên quan COVID-19 trong tháng 10, đây là tháng ghi nhận nhiều trường hợp thiệt mạng nhất từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Giới chức Nga cho rằng, ca nhiễm gia tăng do năm học mới bắt đầu, biến chủng Delta lây lan nhanh và tỷ lệ tiêm chủng trong dân số còn thấp. Nhiều người Nga vẫn hoài nghi vaccine dù Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần kêu gọi họ tiêm chủng. Tháng 11, Nga đã cho người lao động nghỉ làm có lương trong một tuần để hạn chế virus lây lan. Nước này hiện vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron.

Một nhóm các nhà khoa học Nga đã tiên phong trong việc phát triển một loại thuốc chống lo âu mới, được bào chế giúp làm dịu thần kinh của những bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, thuốc này còn giảm thiểu nguy cơ tương tác có hại với các loại thuốc dùng để điều trị bệnh COVID-19. Giám đốc y tế của chương trình Sáng kiến Công nghệ quốc gia Nga cho biết, thuốc đã được thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng. Kết quả ban đầu cho thấy, thuốc chứng tỏ hiệu quả cao, dễ dung nạp và an toàn. Những bệnh nhân được sử dụng liệu pháp mới có điểm số trong các bài kiểm tra mức độ lo âu giảm hơn một nửa sau 8 tuần điều trị. Rối loạn lo âu là một tình trạng lo lắng thường xuyên, thái quá về mọi thứ hàng ngày.

Số người mắc COVID-19 toàn cầu vượt mốc 266 triệu ca, vaccine duy trì hiệu quả với cả biến thể Omicron - Ảnh 1.

Tháng 10, Nga báo cáo số người tử vong vì COVID-19 cao chưa từng thấy. (Ảnh: AP)

Trong động thái mới nhất nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron, Chính phủ Anh đã áp dụng trở lại quy định yêu cầu người nhập cảnh nước này phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 ngay tại điểm đến.

Trước đó, người nhập cảnh chỉ cần xét nghiệm PCR vào ngày thứ hai sau khi đến Anh và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, khi quy định mới có hiệu lực từ ngày 7/12, tất cả du khách từ 12 tuổi trở lên sẽ phải thực hiện xét nghiệm trong vòng 48 giờ trước khi đến Anh. Ngoài ra, cũng từ ngày 7/12, Anh sẽ bổ sung Nigeria vào danh sách đỏ. Người nhập cảnh đến từ các quốc gia trong danh sách này phải cách ly tại khách sạn trong 10 ngày.

Trong vòng 24 giờ qua, Anh đã ghi nhận thêm 86 ca mới mắc biến thể Omicron, nâng tổng số người nhiễm biến chủng này lên 246 trường hợp.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran dự báo, làn sóng dịch thứ 5 ở nước này sẽ đạt đỉnh trong tháng 1/2022 . Để ngăn chặn dịch bệnh gia tăng và sự lây lan của biến thể Omicron, Pháp đã siết chặt quy định nhập cảnh đối với tất cả du khách nước ngoài trên 12 tuổi. Pháp cũng điều chỉnh cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các quốc gia và khu vực trên thế giới để cảnh báo công dân Pháp muốn xuất cảnh ra nước ngoài.

Trong tuần này, Pháp liên tục ghi nhận gần 50.000 ca mắc mới mỗi ngày. Hiện Pháp đã phát hiện hơn 10 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Trước đó, giới chức y tế Pháp cảnh báo, biến thể mới này sẽ chiếm khoảng 50% số ca nhiễm mới vào đầu năm 2022.

Trong 24 giờ qua, Pháp báo cáo hơn 50.000 người mắc mới COVID-19, cho dù hàng triệu người dân nước này đã tiêm mũi tăng cường vaccine. Theo giới chức y tế Pháp, nước này đã có thêm 51.624 ca mắc, trong đó có 694 người phải nhập viện, 119 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và 113 trường hợp tử vong.

Ngày 5/12, giới chức y tế Đan Mạch cho biết, quốc gia Bắc Âu này đang chứng kiến sự tăng vọt "đáng lo ngại" với 183 ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Như vậy, số ca nhiễm biến thể Omicron đã tăng gấp ba trong 48 giờ qua. Ngày 3/12, Đan Mạch mới chỉ ghi nhận 18 ca và 42 ca nghi ngờ nhiễm biến thể này. Giới chức y tế nhận định, có những chuỗi lây nhiễm mà biến thể được tìm thấy ở những người không có lịch sử du lịch nước ngoài hay tiếp xúc với những người đi du lịch nước ngoài.

Từ ngày 4/12, việc đeo khẩu trang tại khu vực ngoài trời ở các phố mua sắm nổi tiếng nhất tại thành phố Rome, Italy là điều bắt buộc. Lệnh cấm này được đưa ra vào thời điểm người dân nước này bắt đầu vào mùa mua sắm Giáng sinh và sẽ có hiệu lực kéo dài đến ngày 31/12. Cảnh sát địa phương được triển khai để giám sát chặt chẽ việc người dân thực thi các hạn chế mới này.

Đến nay, Italy ghi nhận tổng cộng trên 5 triệu ca mắc và hơn 134.000 người thiệt mạng vì COVID-19.

Ngày 5/12, Australia đã phê duyệt việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11. Dự kiến, việc tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 10/1/2022. Trẻ từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine với liều lượng ít hơn so với những người trên 12 tuổi. Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia bày tỏ tin tưởng đối với hiệu quả và độ an toàn của vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng rộng rãi.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Israel và Canada đã có động thái tương tự.

Bắt đầu từ ngày 6/12, Bỉ sẽ áp dụng các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 diễn biến tồi tệ hơn. Một trong những biện pháp mới là yêu cầu tất cả các học sinh từ 6 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang tại lớp học, tốc độ lây nhiễm bệnh ở nhóm này đang ngày càng tăng. Ngoài ra, Bỉ cũng cấm các buổi hòa nhạc, những sự kiện tổ chức trong nhà có quy mô từ 200 người. Những sự kiện nhỏ, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và hội nghị trong nhà dưới 200 người vẫn được tổ chức nhưng bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang, có chứng nhận an toàn với COVID-19 và đảm bảo giãn cách.

Tuần qua, Bỉ ghi nhận khoảng 20.000 ca măc mới COVID-19 mỗi ngày. Số ca tử vong cũng tăng hơn 20% so với một tuần trước đó.

Cuba tuyên bố sẵn sàng mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế tới đảo quốc này theo đường tàu biển. Bộ Giao thông Vận tải Cuba khẳng định, các bến cảng nước này đã triển khai những biện pháp kiểm tra dịch tễ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an ninh y tế và sẵn sàng đón khách nước ngoài. Cuba hy vọng, ngành du lịch biển sẽ dần phục hồi trong những tháng tới trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Từ số ca mắc COVID-19 trên 9.000 người/ngày ở lúc đỉnh điểm vào cuối tháng 7 vừa qua, hiện Cuba chỉ còn khoảng hơn 100 ca mắc mới mỗi ngày.

Số người mắc COVID-19 toàn cầu vượt mốc 266 triệu ca, vaccine duy trì hiệu quả với cả biến thể Omicron - Ảnh 2.

Số trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 tại Nam Phi đã tăng mạnh. (Ảnh: AP)

Biến thể Omicron đã khiến số trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện tăng bất thường. Đây là nhận định của cố vấn y tế hàng đầu cho Chính phủ Nam Phi. Sự gia tăng đáng báo động này có thể đặt cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu vào một giai đoạn mới. Theo Cố vấn Chính phủ Nam Phi Waasila Jassat, tỷ lệ mắc Omicron ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện cao thứ hai, chỉ sau những người trên 60 tuổi.

Nguyên nhân số lượng ca mắc trẻ em tăng lên bất thường tại Nam Phi được nhận định có thể là do "lỗ hổng miễn dịch" và trẻ chưa được tiêm chủng. Đến nay, hiện chỉ hơn 42% người trưởng thành Nam Phi được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Trong khi đó, biến chủng Omicron có khả năng lây truyền kể cả ở những người đã được tiêm chủng. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, biến chủng mới dễ lây lan hơn nhưng "ít nghiêm trọng hơn" so với các biến chủng trước.

Ngày 5/12, phòng thí nghiệm IRESSEF cho biết, Senegal đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, là khách du lịch từng tham dự một cuộc biểu tình ở thủ đô Dakar vào tháng 11. Cuộc biểu tình có sự tham gia của khoảng 300 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau.

Theo nguồn tin trên, ca nhiễm là một người đàn ông 58 tuổi đến từ một quốc gia Tây Phi khác. Người này đã có kết quả xét nghiệm dương tính khi rời Senegal vào ngày 3/12 và hiện đang thực hiện cách ly. Trường hợp này không có biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh.

Indonesia sẽ cấm các hoạt động tập trung đông người trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới 2022 nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, nhất là trong bối cảnh biến thể Omicron đang gây quan ngại trên thế giới. Các hoạt động tập trung đông người như bắn pháo hoa, diễu hành … sẽ bị cấm hoàn toàn. Cảnh sát Quốc gia Indonesia cho biết sẽ mạnh tay với mọi đối tượng cố tình vi phạm chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về phòng chống COVID-19 trong dịp lễ cuối năm.

Ngoài ra, cảnh sát sẽ giám sát việc thực thi lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng tại các địa phương có đông người dân trở về quê nghỉ lễ, đồng thời triển khai lực lượng trực chốt tại các tuyến đường cao tốc, bến cảng và sân bay nhằm giám sát hoạt động đi lại của người dân.

Ngày 5/12, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng thông báo, nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm du khách tới từ 10 quốc gia châu Phi sau gần một tuần ban hành do sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Theo Bộ trưởng Mam Bunheng, được sự thông qua của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Bộ Y tế nước này đã quyết định dỡ bỏ lập tức lệnh cấm đối với du khách tới từ các nước Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia. Tuy nhiên, du khách tới từ 10 quốc gia trên cũng như những người từng tới các nước này trong vòng 2 tuần vừa qua cần phải được xét nghiệm nhanh COVID-19 ngay khi tới Campuchia. Ông Mam Bunheng nêu rõ: "Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, họ cần phải cách ly 7 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày cách ly thứ 6".

Bộ trưởng Y tế Campuchia cũng cho biết, các du khách đã tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 cần trình giấy chứng nhận y tế xác nhận họ đã xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi tới Campuchia, trong khi những người chưa tiêm vaccine sẽ phải cách ly đủ 14 ngày.

Hàn Quốc đang ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Trong 24 giờ qua, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 5.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp. Trước đó một ngày, nước này ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 5/12, nước này ghi nhận thêm 5.127 ca mắc mới, trong đó có 5.104 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc lên 473.034 người. Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 12 ca nhiễm biến thể Omicron. 

Biến thể Omicron - Mối lo ngại mới của thế giới Biến thể Omicron - Mối lo ngại mới của thế giới Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh, tăng cường phòng chống biến thể Omicron Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh, tăng cường phòng chống biến thể Omicron Các nước tăng cường phòng chống Omicron, biến thể mới tiếp tục lây lan ra gần 40 quốc gia Các nước tăng cường phòng chống Omicron, biến thể mới tiếp tục lây lan ra gần 40 quốc gia

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước