Học sinh tại Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Kênh Al Jazeera cho biết, kỳ thi bị hoãn tại tỉnh Tây ở Sri Lanka được lên kế hoạch tổ chức từ ngày 21/3 và kéo dài một tuần. Việc hoãn thi này được cho là có thể gây ảnh hưởng đến 2/3 trong tổng số 4,5 triệu học sinh tại Sri Lanka.
Sở Giáo dục tỉnh Tây thông báo không thể tổ chức kỳ thi do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu giấy và mực.
Kỳ thi học kỳ dành cho các lớp 9, 10 và 11 tại Sri Lanka thuộc quá trình đánh giá liên tục để quyết định liệu học sinh có thể lên lớp vào cuối năm hay không.
Sri Lanka đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Tình trạng thiếu hụt ngoại tệ do khủng hoảng đã khiến Sri Lanka gặp khó khăn trong nhập khẩu, dẫn đến bị khan hiếm nhiều mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như lương thực, nhiên liệu và dược phẩm.
Việc hoãn thi này được cho là có thể gây ảnh hưởng đến 2/3 trong tổng số 4,5 triệu học sinh tại Sri Lanka. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Quốc gia Nam Á với 22 triệu dân này vào tháng 3 thông báo đang tìm kiếm gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài ngày càng trầm trọng, đồng thời tăng cường dự trữ ngoại hối.
IMF vào ngày 18/3 xác nhận đang cân nhắc đề nghị của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa về gói cứu trợ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng hỗ trợ hạn mức tín dụng 1 tỷ USD cho Sri Lanka để nước này mua thực phẩm và thuốc men cần thiết.
Sri Lanka trong năm nay cần thanh toán khoản nợ 6,9 tỷ USD nhưng tính đến cuối tháng 2, dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ vào khoảng 2,3 tỷ USD.
Trên khắp cả nước, nhiều hàng người xếp dài đợi mua hàng tạp hóa và dầu, trong khi Chính phủ tiến hành cắt điện luân phiên và hạn chế lượng bán ra các mặt hàng đường, sữa bột, đậu lăng và gạo.
Sri Lanka hồi đầu năm đã đề nghị Trung Quốc, một trong những chủ nợ chính của nước này, cho phép giãn thời gian trả nợ nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức từ Bắc Kinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!