Sri Lanka: Thủ đô Colombo yên tĩnh trở lại sau vụ đụng độ khiến 7 người thiệt mạng

Quỳnh Chi (Theo Today Online)-Thứ ba, ngày 10/05/2022 17:20 GMT+7

Một trạm kiểm soát trong thời gian giới nghiêm được lập ra một ngày sau vụ đụng độ ở Colombo. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Ngày 10/5, đường phố tại thủ đô thương mại Colombo của Sri Lanka vắng lặng, một ngày sau khi xảy ra các vụ đụng độ khiến 7 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

Sau vụ bạo lực này, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa phải từ chức.

Cuộc đụng độ gây chết người trên diễn ra khi quốc gia Ấn Độ Dương này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Hàng nghìn người biểu tình đã bất chấp lệnh giới nghiêm, tấn công các quan chức chính phủ, đốt cháy nhà cửa, cửa hàng và cơ sở kinh doanh của những nhà lập pháp đảng cầm quyền và các chính trị gia cấp tỉnh.

Người phát ngôn cảnh sát Sri Lanka, ông Nihal Thalduwa cho biết: "Tình hình hiện đã lắng dịu hơn, mặc dù vẫn có những báo cáo về tình trạng bất ổn lẻ tẻ".

Được biết, 7 người đã thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương khi bạo lực bùng phát trên toàn Sri Lanka, khiến đảo quốc này phải áp đặt lệnh giới nghiêm cho đến 7h ngày 11/5.

Người phát ngôn cảnh sát Sri Lanka thông tin, chưa có vụ bắt giữ nào được thực hiện liên quan đến các vụ bạo lực vừa xảy ra, nguyên nhân là do 3 người thiệt mạng vì bị thương do súng bắn.

Những vụ tấn công nhằm vào các quan chức chính phủ nhằm mục đích trả đũa diễn ra chỉ vài giờ trước khi Thủ tướng Sri Lanka Rajapaksa từ chức.

Ngày 9/5, ông Rajapaksa đã nói chuyện với hàng trăm người ủng hộ tập trung tại dinh thự của ông sau các báo cáo rằng ông đang cân nhắc từ chức.

Sri Lanka: Thủ đô Colombo yên tĩnh trở lại sau vụ đụng độ khiến 7 người thiệt mạng - Ảnh 1.

Những chiếc xe bị cháy ở Colombo một ngày sau các cuộc đụng độ dữ dội trong ngày 9/5. (Ảnh: AP)

Theo các nhân chứng, cảnh sát Sri Lanka đã phun vòi rồng và hơi cay để giải tán những người biểu tình bạo động, sau những nỗ lực bất thành để kiềm chế họ.

Hàng nghìn người đổ ra đường ăn mừng sau khi Thủ tướng Rajapaksa từ chức. Những người biểu tình đã cố gắng phá dỡ các cổng của Temple Trees, nơi ở chính thức của Thủ tướng Rajapaksa tại trung tâm thủ đô Colombo. Kính vỡ và giày dép bị vứt bừa bãi trên các đường phố xung quanh trong ngày 10/5 sau một số vụ đụng độ tồi tệ nhất trong đêm.

Quân đội Sri Lanka tuần tra khu vực này, nơi 8 phương tiện bị đốt cháy và chìm trong hồ. Các tài liệu bị vứt bỏ, thiết bị bị đập phá và vứt bừa bãi trong những văn phòng bị lục soát của các quan chức chính phủ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có ở Sri Lanka diễn ra sau khi đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến thu nhập chính từ du lịch, khiến nước này phải vật lộn với giá dầu tăng và việc cắt giảm thuế của Chính phủ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa.

Sau khi phá giá tiền tệ, Sri Lanka đã đề nghị các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hỗ trợ.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Ali Sabry, người đã từ chức hôm 9/5, cùng với những người còn lại trong nội các của Thủ tướng Rajapaksa, cho biết, dự trữ ngoại hối có thể sử dụng được của nước này chỉ ở mức 50 triệu USD.

Tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men đã khiến hàng nghìn người xuống đường biểu tình ở Sri Lanka trong hơn một tháng qua.

Khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại Sri Lanka Khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại Sri Lanka

VTV.vn - Căng thẳng tại Sri Lanka tiếp tục leo thang trong bối cảnh Thủ tướng nước này Mahinda Rajapaksa vừa đệ đơn từ chức hôm qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước