Tên lửa Trường Chinh 5b được phóng lên tại Hải Nam, Trung Quốc hôm 29/4. Ảnh: Reuters
Đây là nhận định được tờ Thời báo Hoàn cầu đưa ra ngày 5/5. Báo trên đã dẫn lời của ông Wang Yanan - Tổng biên tập tạp chí Kiến thức Không gian - nhận định về tình hình. Ông này nói: "Hầu hết các mảnh vỡ của tên lửa sẽ bốc cháy trong quá trình tái nhập, khiến cho chỉ có một phần rất nhỏ có thể rơi xuống đất, dẫn tới khả năng có thể rơi xuống các khu vực cách xa các hoạt động của con người hoặc rơi ở đại dương".
Cũng theo tờ Thời báo Hoàn cầu, tình hình hiện nay không đáng bị "thổi phồng" như những gì mà truyền thông các nước miêu tả, trong đó cho rằng tên lửa Trường Chinh 5B rơi vào tình trạng "mất kiểm soát". Báo này trích dẫn lời một chuyên gia về không gian khác có tên là Song Zhongping cho biết, mạng lưới giám sát không gian của Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các khu vực nằm trên quỹ đạo di chuyển của tên lửa, cũng như lên các phương án giảm thiểu nguy cơ cho các tàu thuyền qua lại trên biển. Chuyên gia này cũng khẳng định, với việc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B sẽ không gây ô nhiễm cho đại dương.
Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đang theo dõi nguy cơ từ các mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc. Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: "Mỹ đang nỗ lực giải quyết những nguy cơ tắc nghẽn gia tăng do những mảnh vỡ trong không gian và các hoạt động ngày càng dày đặc trong không gian. Chúng tôi muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy vai trò lãnh đạo và cách hành xử có trách nhiệm trong không gian".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!