Hàng loạt tòa nhà bị thiệt hại hoặc đổ sập do động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Anadolu Agency)
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết trong một cuộc họp báo trên truyền hình hôm 7/2 rằng số người tử vong trong trận động đất ở nước này đã tăng lên ít nhất 3.419, ít nhất 20.534 người đã bị thương.
Trước đó, ông Orhan Tatar, một quan chức thuộc Cơ quan Quản lý thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết trong một cuộc họp ngắn trên truyền hình, số người chết trong trậnđộng đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên ít nhất 3.381 vào khoảng 9h45 ngày 7/2 (theo giờ địa phương), .
Ít nhất 20.426 người bị thương cũng đã được báo cáo, theo ông Tatar. Hơn 7.800 người đã được giải cứu tại 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ
Cho đến nay, 11.000 tòa nhà đã được báo cáo là bị hư hại ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tatar nói. Gần 25.000 người tham gia công tác ứng cứu khẩn cấp đang làm việc tại những nơi bị ảnh hưởng, ông nói thêm.
Ông Tatar thông tin, lực lượng cứu hộ đang sử dụng ít nhất 10 tàu và 54 máy bay để vận chuyển những người bị thương và hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm.
Tại Syria, số người thiệt mạng trong trận động đất đã tăng lên 1.509 trên khắp các khu vực do Chính phủ Syriavà phe đối lập kiểm soát, giới chức nước này xác nhận. Bên cạnh đó, ít nhất 3.548 người cũng đã được báo cáo bị thương ở Syria.
Lực lượng cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã đào bằng tay không trong đêm lạnh giá để tìm kiếm những người sống sót giữa đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà đổ sập trong một loạt trận động đất dữ dội hôm 6/2.
Mỹ phối hợp hỗ trợ ngay lập tức cho Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các đội hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn. Tại California, gần 100 lính cứu hỏa và kỹ sư xây dựng của quận Los Angeles, cùng với 6 chú chó được huấn luyện đặc biệt, đã được gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Nước láng giềng Hy Lạp cử một đội gồm 21 nhân viên cứu hộ, hai chó cứu hộ và phương tiện cứu hộ đặc biệt, cùng với một kỹ sư kết cấu, năm bác sĩ và chuyên gia lập kế hoạch địa chấn trên một máy bay vận tải quân sự tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Công tác tìm kiếm cứu trợ nạn nhân động đất diễn ra khẩn trương. (Ảnh: Global Look Press)
Sáng sớm 7/2, các máy bay chở hàng viện trợ từ Iraq và Iran, bao gồm thực phẩm, thuốc men và chăn màn, đã đến sân bay quốc tế Damascus ở Syria.
Trong khi đó, 2 đội từ Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia của Ấn Độ bao gồm khoảng 100 nhân viên, mang theo vật tư y tế và thiết bị cứu hộ đã bay đến khu vực thảm họa để thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
Đội cứu trợ dân sự đầu tiên của Trung Quốc vào sáng 7/2 đã khởi hành đến Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành cứu nạn tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đội bao gồm 8 chuyên gia cứu hộ động đất với kinh nghiệm dày dặn. Họ mang theo các thiết bị phát hiện sự sống tiên tiến và các công cụ phá hủy đống đổ nát.
Liên minh châu Âu đã kích hoạt cơ chế ứng phó với khủng hoảng, cụ thể là điều lực lượng tìm kiếm cứu hộ từ 10 quốc gia thành viên tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã điều 300 binh sĩ tới Syria nhằm hỗ trợ dọn dẹp các đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng. Ngoài ra, 60 máy móc được huy động để "dọn dẹp gạch đá, tìm kiếm nạn nhân và cứu trợ y tế tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất".
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, các đội ứng phó khẩn cấp từ Cơ quan điều phối và đánh giá thảm họa của Liên hợp quốc, Nhóm cố vấn tìm kiếm và cứu nạn quốc tế và các đội y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang được huy động đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ nhân đạo.
Về phía Syria, khu vực này bị phân chia giữa lãnh thổ do chính phủ kiểm soát và vùng đất do phe đối lập nắm giữ, được bao quanh bởi các lực lượng chính phủ do Nga hậu thuẫn. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi sinh sống của hàng triệu người tị nạn sau cuộc nội chiến.
Trong một tuyên bố, tổ chức khẩn cấp của phe đối lập có tên Mũ bảo hiểm trắng cho biết, tại khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, hàng trăm gia đình vẫn bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Khu vực này có khoảng 4 triệu người phải sơ tán khỏi các vùng khác của đất nước do chiến tranh. Nhiều người sống trong các tòa nhà đã bị tàn phá bởi các cuộc oanh tạc của quân đội.
Những lời đề nghị giúp đỡ gồm gửi các đội tìm kiếm cứu hộ và vật tư y tế, tiền đã được gửi đến từ hàng chục quốc gia, cũng như Liên minh châu Âu và NATO.
Steven Godby, một chuyên gia về các mối nguy hiểm tự nhiên tại Đại học Nottingham Trent, nói với AP rằng tiết trời quá lạnh có thể làm rút ngắn khoảng thời gian mà lực lượng cứu hộ phải giải cứu những người sống sót bị mắc kẹt. Ông lưu ý rằng khó khăn khi làm việc trong các khu vực bị nội chiến bao vây sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực cứu hộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!