Anh Kim Bum-jin sống ở khu Itaewon, Thành phố Seoul, Hàn Quốc đã chứng kiến vụ giẫm đạp xảy ra. "Tôi không thể ngủ được suốt 2 ngày, bị sang chấn tâm lý. Các hình ảnh cứ hiện lên, nên giờ tôi bị hoảng loạn cứ khi nào nghe thấy tiếng còi cứu thương".
Anh Kim phải đến một trạm tư vấn tâm lý lưu động được đặt ngay ở khu Itaewon. "Tôi không ăn được, tôi cảm thấy như không xứng đáng được ăn vì tôi đã không thể cứu được ai. Tôi tới đây xin tư vấn tâm lý cùng với một người bạn cũng bị sang chấn tâm lý nặng".
Bà Hwang Jung-soon đến viếng các nạn nhân ở khu tưởng niệm được thành lập trước Tòa thị chính Seoul. "Tôi cứ xem đi xem lại tin trên TV và cảm thấy rất buồn. Tôi đau lòng đến mức không ăn được và bị đau đầu".
Giáo sư Jun Jin-yong - Bệnh viện Đại học Ulsan, Hàn Quốc cho biết: "Toàn xã hội đều đau thương. Trong hoàn cảnh này, dù người liên quan hay không liên quan trực tiếp cũng có thể bị sang chấn tâm lý và bị đắm chìm trong đó. Họ có thể thu mình lại, không muốn làm gì. Tình trạng này có thể kéo dài".
Trên mạng xã hội, từ khi bản chất và quy mô thật sự của thảm họa giẫm đạp còn chưa rõ thì đã lan tràn các thông tin, hình ảnh nạn nhân. Và nhiều người đã bắt đầu tự đưa ra các giải thích, quy lỗi.
"Khi chứng kiến các phản ứng với các thảm họa sẽ thấy các phản ứng theo kiểu tìm cách đổ lỗi cho ai đó. Như khi có các ca COVID-19 đầu tiên ở Hàn Quốc, đã có nhiều phản ứng đổ lỗi như: Tại sao lại đến đó, tại sao lại truyền bệnh cho người khác?", Giáo sư Jun Jin-yong nói.
Tính tới 2/11, số người tử vong trong vụ giẫm đạp ở Itaewon đã lên đến 156 người, 172 người bị thương trong đó 33 người bị thương nặng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!