Lá cờ của NATO tại một căn cứ quân sự ở Estonia. (Ảnh: Reuters)
NATO đã triển khai các vũ khí tiên tiến cùng lực lượng hùng hậu để đảm bảo an ninh cho sự kiện.
Để đảm bảo an ninh cho các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, đến nay, 16 quốc gia thành viên NATO đã gửi tổng cộng khoảng 1.000 binh sĩ đến Litva. Nhiều nước đã cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến mà quốc gia Baltic này còn thiếu như tên lửa Patriot dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, hệ thống phòng không NASAMS, pháo tự hành Caesar…
Litva đã tăng gấp 3 lần lực lượng bảo vệ tại biên giới với Nga và Belarus trong mùa hè này. Tại sân bay Vilnius, 8 bệ phóng tên lửa Patriot do Đức điều hành cũng được triển khai.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Litva Gitanas Naused cho rằng nỗ lực của các đồng minh nhằm bảo đảm an ninh phòng không cho Hội nghị thượng đỉnh NATO có nghĩa là liên minh quân sự cần nhanh chóng thiết lập lực lượng phòng không thường trực ở các nước Baltic.
Theo ông Naused, Litva sẽ làm việc với các đồng minh để thành lập một lực lượng luân phiên cho nhiệm vụ phòng không lâu dài sau khi sự kiện này kết thúc.
Tổng thống Naused nhấn mạnh: "Các nhà lãnh đạo từ 40 quốc gia đang chuẩn bị đến Litva, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo đồng minh NATO khác. Sẽ là vô trách nhiệm nếu bầu trời không được bảo vệ".
Trong hai ngày 11 - 12/7 tới, các nhà lãnh đạo của NATO sẽ nhóm họp tại thủ đô Vilnius của Litva để giải quyết một loạt vấn đề, từ chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine đến vướng mắc trong kết nạp Thụy Điển và các kế hoạch phòng thủ đầu tiên trong nhiều thập niên.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh thứ tư của NATO kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến vào ngày 25/2/2022, chỉ một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, sau đó là các sự kiện ở Brussels (Bỉ) và Madrid (Tây Ban Nha).
Những vấn đề chính dự kiến được thảo luận tại Vilnius gồm tư cách thành viên NATO của Ukraine; tăng cường sườn phía Đông của NATO; nhắm đến việc chào đón Thụy Điển với tư cách là thành viên thứ 32 của liên minh quân sự này; và kỳ vọng về nâng cấp mục tiêu chi tiêu quân sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!