Những nỗ lực cải cách toàn cầu nhằm ngăn ngừa các dịch bệnh mới vẫn còn chậm chạm và rời rạc, khiến thế giới vẫn ở trạng thái giống như thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát hơn 2 năm trước. Đây là cảnh báo mới được công bố của một ủy ban chuyên gia độc lập.
Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf làm đồng Chủ tịch. Cách đây 1 năm, ủy ban này đã nộp báo cáo lên Tổ chức Y tế thế giới, nhấn mạnh việc phối hợp kém đã tạo điều kiện cho đại dịch COVID-19 lan rộng.
Trong báo cáo mới này, ủy ban đánh giá, sau một năm thế giới vẫn đang hành động một cách rời rạc, điều này đang tạo tiền đề cho một đại dịch khác lây lan.
Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark nói: "Chúng ta chủ yếu vẫn sử dụng những công cụ và hệ thống tồn tại từ tháng 12/2019 để ứng phó với nguy cơ đại dịch, những công cụ này là chưa đủ hữu hiệu. Với tốc độ hiện tại, phải mất nhiều năm nữa mới hình được một hệ thống hiệu quả trong khi mối đe dọa đại dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu điều đó xảy ra trong năm nay, năm sau hoặc năm sau nữa, thì chúng ta sẽ lại rơi vào tình huống như tháng 12/2019".
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá cao công tác cải cách ở cấp độ toàn cầu để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra đại dịch mới, với nhiều cơ chế mới được thiết lập sau khi COVID-19 bùng phát, giúp phân phối khoảng 1,5 tỷ liều vaccine tới những nước nghèo, cùng với những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vaccine và thuốc kháng virus. Tuy nhiên, những sự thay đổi này diễn ra rất chậm. Do vậy, dù nhiều nước đang chuyển sang giai đoạn sống chung với COVID-19, báo cáo nhấn mạnh đây chưa phải là thời điểm có thể chủ quan do đại dịch vẫn chưa kết thúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!