Mỹ là vẫn quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 29.927.781 ca nhiễm, trong đó có 543.738 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 11.310.636 ca nhiễm, trong đó có 158.358 người không qua khỏi. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 23.285 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất trong một ngày kể từ ngày 24/12.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới trong ngày 12/3 đã đạt tới mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây, hiện vẫn trên 400 ca trong 4 ngày liên tiếp, khiến nhà chức trách phải gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần. Bên cạnh đó, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn lệnh tạm ngừng các chuyến bay từ Anh đến ngày 1/4 nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể của virus SARS-CoV-2 xâm nhập Hàn Quốc.
Dịch bệnh cũng vẫn đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á. Philippines thông báo đã ghi nhận thêm 4.578 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mới mắc trong ngày cao nhất trong gần 6 tháng qua, đưa tổng số ca bệnh ở quốc gia Đông Nam Á lên 611.618 ca. Việc số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại đã khiến lãnh đạo ở thủ đô Manila phải áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm đến cuối tháng 3.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, số ca nhiễm mới và tử vong tại Indonesia trong 24 giờ qua lần lượt là 6.412 và 180. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại nước này là 1.410.134 người, trong đó có 38.229 trường hợp không qua khỏi.
Còn Bộ Y tế Campuchia cho biết, hôm qua nước này có thêm 60 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt có 8 ca mới được phát hiện ở tỉnh Koh Kong và đây là địa phương thứ tư bùng phát dịch tại Campuchia liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Trước đó, Chủ tịch Thượng viện Campuchia đã ban hành luật phòng chống lây lan dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Mức phạt có thể lên tới 10 năm tù cho người cố tình làm lây nhiễm COVID-19 và lên tới 20 năm đối với một nhóm hoặc một tổ chức vi phạm.
Tại châu Phi, số ca mắc COVID-19 ở châu lục này đã lên tới 3.996.741 ca, trong khi số ca tử vong lên tới 106.743 ca và 3.578.073 bệnh nhân đã hồi phục. Những nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh về số ca nhiễm có Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), đến nay Nam Phi có tổng cộng 51.015 ca tử vong do COVID-19 và là nước có số ca tử vong cao nhất ở châu lục.
Nhân viên y tế xịt khử trùng tay trước khi làm xét nghiệm cho người dân tại TP Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AP
Nhiều nước châu Âu cũng đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch COVID-19. Hungary thông báo ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 và nhập viện cao nhất trong ngày, trong bối cảnh các bệnh viện nước này đang đứng trước nguy cơ quá tải bởi làn sóng thứ ba của đại dịch. Cụ thể, nước này có thêm 8.312 ca mắc mới COVID-19 và 172 trường hợp tử vong, trong khi số bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện hiện đã là 8.329 người.
Số ca tử vong tại Bulgaria cũng đã vượt 11.000 người sau khi ghi nhận thêm 95 ca tử vong mới. Số ca nhiễm tại nước này đã tăng thêm 3.121 ca lên 272.700 ca. Số bệnh nhân đang nhập viện là 6.604 người - mức cao nhất kể từ ngày 21/12/2020. Theo số liệu mới nhất của trang Our World in Data, Bulgaria có tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19 cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) là 4,1%.
Trong khi đó, bất chấp lệnh phong tỏa, Đức vẫn ghi nhận thêm 12.834 ca nhiễm mới, cao hơn khoảng 2.250 ca so với 1 tuần trước. Hồi đầu năm, số ca nhiễm mới tại Đức đã giảm, song dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, hiện nước này đang ở bắt đầu làn sóng lây nhiễm thứ ba dịch COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận hơn 2,55 ca nhiễm, trong đó có 73.062 trường hợp tử vong.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/3, Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định, sau hơn 1 năm bắt đầu tình trạng khẩn cấp về y tế, nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Do đó, chính phủ chuẩn bị siết chặt các hạn chế trên hầu khắp đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!