Một người dân được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech tại điểm tiêm chủng của trung tâm y tế cộng đồng ở Nam Phi. Nguồn: Bloomberg
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới, dùng cụm từ "sự mất cân bằng đáng kinh ngạc" trong việc cung cấp vaccine. Ông cho rằng không thể chấp nhận được việc các nhà sản xuất chạy theo mức giá cao nhất để cung cấp vaccine áp đảo cho các nước giàu và hiện đang đẩy mạnh các đợt tiêm tăng cường cho chính những người giàu này.
Từ phía Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer Inc., thì ông Tedros đang nói một cách "cảm xúc thái quá". Pfizer vẫn đang chiến đấu để kiểm soát bí mật công thức vaccine COVID-19 trị giá 36 tỷ USD.
Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên đầy khó chịu là: Bất bình đẳng về vaccine không tự nhiên xảy ra. Đó là kết quả từ quyết định của các giám đốc điều hành công ty dược và các quan chức chính phủ. Gần một năm sau khi những mũi tiêm đầu tiên được triển khai, các nhà sản xuất vaccine phương Tây và các quan chức y tế công cộng vẫn đang vật lộn để thu hẹp khoảng cách được tiêm chủng giữa các quốc gia; chỉ có 6% người dân ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 11. Một điểm mấu chốt ở vấn đề này là ai có thể kiểm soát các công thức vaccine bí mật trị giá hàng tỷ USD.
Các công ty dược phẩm chủ yếu cung cấp vaccine cho ai?
Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson ở thời điểm một năm trước hầu hết đều gửi những liều thuốc của họ đến các nước giàu có hơn là các nước nghèo. Nhưng sau đó họ đã đi theo những con đường khác nhau, theo dữ liệu được tổng hợp bởi các chương trình Airfinity có trụ sở tại London.
Theo giám đốc điều hành Mordena ông Stephane Bancel, công ty chỉ mới bắt đầu mở rộng thị trường cung cấp bên ngoài các quốc gia giàu có, chủ yếu là do các hạn chế xuất khẩu và cam kết cung cấp sớm cho Mỹ và châu Âu. Vaccine Johnson & Johnson vẫn còn chưa có nhiều khách hàng và chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường. Trong khi đó AstraZeneca đã nhanh chóng tăng cường cung cấp cho các nước nghèo hơn, phần lớn bằng cách cấp phép công thức cho một nhà sản xuất ở Ấn Độ.
Hàng người chờ đăng ký vaccine AstraZeneca / Oxford Covishield ở New Delhi, Ấn Độ. Nguồn: Bloomberg
Còn Pfizer, với đối tác BioNTech của Đức, là nhà sản xuất và phân phối nguồn cung lớn nhất của một trong những loại vaccine hiệu quả nhất. Dữ liệu phân phối cho thấy Pfizer là nguồn cung cấp vaccine COVID-19 số 1 cho các quốc gia giàu có nhất. Trong những tháng gần đây, Pfizer đã bắt đầu tăng cường cung cấp vaccine cho các đối tượng khác - với tốc độ khá nhanh. Tính đến ngày 7 tháng 11, công ty đã vận chuyển hơn 658 triệu liều thuốc đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong tổng số 2 tỷ liều được giao. Đến cuối năm, công ty dự kiến con số đó sẽ đạt 1,1 tỷ liều trong số khoảng 3 tỷ liều được sản xuất.
Pfizer trong cuộc chiến giữ công thức bí mật
Tuy nhiên, có một điểm mà Giám đốc điều hành Pfizer không hề lay chuyển: giữ công thức bí mật của vaccine. Các quốc gia dẫn đầu là Ấn Độ và Nam Phi đã thúc đẩy đề xuất tại Tổ chức Thương mại Thế giới về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị COVID-19. Ông Bourla của Pfizer, người gọi quyền sở hữu trí tuệ là "máu của khu vực kinh doanh tư nhân", đã thẳng thắn phản đối những lời kêu gọi chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine, mặc dù những người ủng hộ nói rằng, về lý thuyết, điều đó sẽ giúp tạo ra nhiều liều thuốc hơn.
Bất chấp những chỉ trích nhằm vào Pfizer thì một nỗ lực phi thường để tạo ra loại vaccine của hãng cũng cần được công nhận. Ngay từ những ngày đầu tiên của đại dịch, công ty đã dành mọi thứ họ có vào việc tìm kiếm một loại vaccine hiệu quả và sau đó đã tạo ra nó trong thời gian ngắn kỷ lục, chắc chắn đây là một trong những bước đột phá khoa học nhanh nhất và đáng nhớ nhất trong lịch sử.
Nếu không có sự dẫn dắt của ông Bourla, điều đó có thể đã không xảy ra. Với tư cách là Giám đốc điều hành, ông đã đánh một canh bạc gan dạ khi hợp tác với BioNTech để sử dụng công nghệ mRNA chưa được chứng minh, gọi là Dự án Lightspeed. Ông ấy nói với mọi người trong công ty rằng hãy bỏ ra bất cứ số tiền nào cần thiết để tìm ra một loại vaccine có hiệu quả. Ông thậm chí còn bật đèn xanh cho việc xây dựng hệ thống phân phối công nghệ cao của riêng Pfizer để đảm bảo liều lượng cần được giữ ở âm 70 độ C, vẫn ổn định và được giao hàng loạt.
Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer Inc., nói chuyện với các phóng viên Bloomberg tại New York. Nguồn: Bloomberg
Chiến thắng trong vụ đặt cược đó đã khiến Pfizer trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua vaccine COVID-19 toàn cầu. Công ty này đã có mũi tiêm được phê duyệt sớm hơn mọi đối thủ cạnh tranh và vaccine đang tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao nhất trên toàn thị trường (20 tỷ USD lợi nhuận trước thuế vào năm 2021, bao gồm 50% cổ phần thuộc về BioNTech, theo ước tính của Bloomberg Intelligence). Đây là loại vaccine đầu tiên được chấp thuận cho các mũi tiêm nhắc lại.
Pfizer cũng lập luận việc các giao dịch đầu tiên của họ về đại dịch chủ yếu là với các quốc gia có thu nhập cao hơn vì các quốc gia ít nghèo hơn mà họ tiếp cận đã chọn đặt hàng với các công ty khác. Pfizer nói: "sự sẵn sàng của các quốc gia" cũng là một rào cản đối với các nước nghèo hơn, bao gồm khả năng xử lý liều lượng ở nhiệt độ cực lạnh, cũng như "các vấn đề về nhu cầu và niềm tin về vaccine".
Thái độ các nước lớn về đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine
Đối với đề xuất về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị COVID-19, truyền thống của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận ý kiến của các thành viên. Hiện có 120 thành viên lên tiếng ủng hộ hoặc cho biết họ đang chính thức bảo trợ một sự miễn trừ va điều này sẽ dược thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng của WTO bắt đầu vào cuối tháng này.
Thông báo của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai vào đầu tháng 5 rằng Chính quyền Biden sẽ hỗ trợ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ giống như một đòn giáng mạnh vào ngành dược phẩm, đảo ngược hàng thập kỷ ủng hộ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Washington D.C. Hồi đầu tháng 11, bà Tai nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ thúc đẩy đề xuất miễn trừ tại cuộc họp cấp bộ trưởng và gọi đây là "một thông điệp rất mạnh mẽ từ các nước đang phát triển tại WTO rằng họ cần cứu trợ trong đại dịch này."
Phía Liên minh châu Âu phản đối điều này và thay vào đó đã đưa ra một loạt biện pháp mà họ cho rằng sẽ cho phép các nước đang phát triển sử dụng các công cụ thương mại hiện có để mở rộng năng lực sản xuất của họ. Anh, Thụy Sĩ và Na Uy cũng đã phản đối đề xuất này.
Lập luận của các công ty dược phẩm để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vaccine
Các công ty dược phẩm đã lập luận rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không giúp tiêm chủng cho mọi người trở nên nhanh chóng hơn.
"Nếu bạn để ngành công nghiệp dược phẩm hiện tại làm việc chăm chỉ và làm những gì họ cần làm, như Albert Bourla đã từng nói, tôi nghĩ rằng như vậy là đủ", Paul Stoffels - Giám đốc khoa học của Johnson & Johnson cho biết. Ông cho biết các nhà sản xuất hiện tại phải mất từ một năm đến 18 tháng để các nhà máy hoạt động hết công suất với vaccine COVID-19 bằng việc sử dụng bí quyết hiện có. "Các công ty khác nhau sẽ mất nhiều thời gian hơn," ông nói.
Bệnh nhân chờ nhận vaccine Pfizer-BioNTech do chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cho Bộ Y tế Uganda tại Kampala, Uganda. Nguồn: Getty Images
Công thức bí mật của Pfizer mà Bourla đang bảo vệ phức tạp hơn nhiều so với một công thức đơn giản. Pfizer có hơn 280 vật liệu được thực hiện bởi các nhà cung cấp ở 19 quốc gia, nhiều vật liệu được bảo hộ dưới hình thức này hay hình thức khác. Đối với một nhà sản xuất để tạo ra vaccine, họ sẽ phải thương lượng nhiều giấy phép để từ bỏ các biện pháp bảo vệ đối với mọi thành phần, từ lipid đến các sợi mRNA và bí mật thương mại được sử dụng trong quá trình sản xuất. Bởi vậy đề xuất từ bỏ quyền sở hữu có thể làm ngay trong một lần chỉ hoàn toàn là lý thuyết.
Mối đe dọa về một sự bãi bỏ toàn diện như vậy đã khiến một số nhà sản xuất nêu vấn đề này trong các cuộc đàm phán bán vaccine. Tại Nam Phi, Pfizer và Johnson & Johnson đã thúc ép các quan chức từ bỏ chiến dịch đề xuất từ bỏ quyền sở hữu vắc xin khi đàm phán về các điều khoản của hợp đồng cung cấp.
Các công ty dược phẩm đã thực hiện một con đường thay thế trong nỗ lực đáp ứng lời kêu gọi mở rộng phân phối, nhưng nhất quyết không từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của họ bằng cách ký các hợp đồng sản xuất bổ sung bắt đầu từ năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!