Nhật Bản được biết đến là những đất nước có nguồn nhân lực trình độ cao, đặt nặng vấn đề bằng cấp, kết quả học tập. Thế nhưng giờ đây, Nhật Bản, Hàn Quốc lại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục.
Anh Jang Dong-hae, 25 tuổi, từng khiến cha mẹ lo lắng khi quyết định bỏ học đại học giữa chừng chỉ 1 năm trước khi nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính. Jang Dong-hae hoài nghi rằng liệu tấm bằng đại học có giúp mình có được công việc mơ ước tại một trong những công ty hàng đầu của Hàn Quốc hay không. Và vì vậy, anh chuyển sang theo học nghề y tá.
Jang Dong-hae nói: "Bạn bè của tôi đang học đại học hiện đang trì hoãn việc tốt nghiệp để tiếp tục đăng ký học cho đến khi họ tìm được việc làm. Tôi nghĩ rằng mình đã có một quyết định đúng đắn khi chuyển sang học nghề".
Jang chỉ là một trong rất nhiều thanh niên trẻ Hàn Quốc từ bỏ nền giáo dục đại học để chuyển sang học nghề hay thậm chí lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Điều này đã khiến các trường đại học ở Hàn Quốc đang vật lộn với tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng. Nhiều chuyên ngành không tuyển sinh được sinh viên mới. Thậm chí, một số trường phải hợp nhất để duy trì hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn.
Ông Son Jong Chil - Giáo sư Khoa Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ Hankuk, Hàn Quốc: "Tham vọng cho con vào các trường đại học tốt của các bậc phụ huynh đã lên đến đỉnh điểm và đang giảm dần. Dần dần, mọi người đang nghĩ rằng không phải ai cũng nên học đại học".
Không chỉ riêng tại Hàn Quốc, nhiều trường đại học ở Nhật Bản đã buộc phải ngừng tuyển sinh hay thậm chí đóng cửa do số lượng sinh viên năm nhất giảm.
Trường Đại học Kobe Kaisei, một trường tư thục dành cho nữ, thông báo ngừng nhận hồ sơ và đóng cửa vào năm tới. Lý do là trường chỉ tuyển sinh được 24 học sinh trong năm nay, tức là chỉ đạt 25 % chỉ tiêu.
Đại học Keisen ở ngoại ô thủ đô Tokyo với lịch sử 35 năm, mới đây cũng thông báo trên trang web chính thức rằng họ sẽ ngừng tuyển sinh cho năm học 2024. Trường đại học này đang chuẩn bị đóng cửa sau khi lứa sinh viên cuối cùng tốt nghiệp.
Tình trạng các trường đại học Nhật Bản phải đóng cửa do thiếu sinh viên có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Dự báo đến năm 2040, số sinh viên theo học đại học tại Nhật Bản chỉ còn khoảng 500 nghìn sinh viên/năm.
Nguyên nhân nào khiến các trường đại học của Nhật Bản thiếu sinh viên?
Tỷ lệ sinh giảm nhiều năm hay giai đoạn dịch COVID-19 khiến nhiều sinh viên bị hạn chế nhập cảnh đã dẫn đến việc các trường đại học của Nhật Bản thiếu sinh viên. Hơn nữa, thi đại học tại nước này cũng cần đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc, học sinh phải đối mặt với áp lực thi cử lớn, do đó, hiện nay rất nhiều học sinh đã lựa chọn học tại các trường Senmon (trường đào tạo nghề) thay vì đi thi và học đại học. Học tại các trường Senmon này, thời gian học chỉ mất 2 năm, cơ hội tìm việc cũng rất dễ dàng sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ có việc rất cao, mức lương giữa những người tốt nghiệp trường Senmon và sinh viên đại học mới ra trường gần như tương đương.
Vậy các trường giải quyết vấn đề thiếu hụt sinh viên thế nào?
Đầu tiên là các trường đại học của Nhật Bản tăng cường số lượng sinh viên quốc tế với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên quốc tế thi và nhập học, quốc tế hóa, tăng tính cạnh tranh của các chuyên ngành đào tạo với việc mở rộng hình thức đào tạo bằng tiếng Anh, thay vì chỉ có tiếng Nhật.
Các trường đại học tại Nhật Bản hiện nay cũng thiết lập liên kết với các trường trung học phổ thông để tuyển dụng sinh viên từ ngay thời điểm đang học cấp 3, những mối liên kết này sẽ cung cấp cho học sinh lợi ích như giảm bớt gánh nặng thi cử. Bên cạnh đó, các trường đại học nhỏ, mang tính khu vực cũng cơ cấu lại dưới hình thức xóa bỏ hay sát nhập hoặc liên kết với các trường lớn để tuyển dụng và đào tạo sinh viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!