Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AP)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra cảnh báo một ngày trước khi lực lượng nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực. Đây được coi là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp trong nhiều thập kỷ qua.
Ngày 5/9, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố, Hy Lạp phải tham gia các cuộc đàm phán giảm căng thẳng ở phía Đông Địa Trung Hải, nếu không sẽ phải hứng chịu hậu quả. Ông Erdogan nói: "Họ sẽ hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự để hủy bỏ các bản đồ và tài liệu phi đạo đức".
Ông Erdogan đề cập đến các khu vực tranh chấp mà Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus tuyên bố là vùng biển đặc quyền kinh tế của họ. Tất cả các bên đã triển khai lực lượng hải quân và không quân để bảo vệ những tuyên bố về chủ quyền của mình tại khu vực tranh chấp.
Tờ Cumhuriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, 40 xe tăng đang được chuyển từ biên giới Syria đến thành phố Edirne, phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời minh họa bằng những bức ảnh chụp nhiều xe bọc thép chất trên xe tải.
Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp đang tranh chấp ở thềm lục địa phía Đông Địa Trung Hải. (Ảnh: AP)
Ankara đang thăm dò dầu khí tại vùng lãnh thổ tranh chấp, trong khi Hy Lạp tuyên bố khu vực này là thềm lục địa của nước mình. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hy Lạp chiếm đoạt một phần tài nguyên hàng hải, trong khi cả Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus đều cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền của họ bằng cách khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển này.
Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus là thành viên, đe dọa sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì các hành động "bất hợp pháp" của nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rõ rằng, ông sẽ không thỏa hiệp: "Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chia sẻ các nguồn năng lượng dưới bất kỳ hình thức nào, miễn là công bằng". Ông nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã "sẵn sàng cho mọi tình huống và kết quả."
Ngày 6/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 5 ngày với tên gọi "Bão Địa Trung Hải".
Về khả năng đối thoại theo sáng kiến của NATO nhằm giảm nguy cơ đụng độ trên biển, Hy Lạp đã bác bỏ sáng kiến này với khẳng định, việc giảm căng thẳng sẽ chỉ diễn ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức rút toàn bộ tàu ra khỏi thềm lục địa Hy Lạp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!