Một cửa hàng bán lẻ tại Mỹ không "qua khỏi" đại dịch đang tìm cách thanh lý toàn bộ hàng (Nguồn: The Dallas Morning News)
Ngành bán lẻ truyền thống của Mỹ vốn đã chật vật trong vài năm trở lại đây do xu hướng mua sắm online khiến các cửa hàng mất dần vị thế. Tới khi đại dịch COVID-19 ập đến thì "nước tràn ly" và một loạt các thương hiệu bán lẻ lớn phá sản, sụt giảm về cấp bậc chưa từng thấy, phải lần lượt thanh lý trong bối cảnh dịch bệnh khiến người Mỹ không còn thoải mái với việc chi tiêu và mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng.
Các doanh nghiệp đang giảm bớt số lượng cửa hàng cho biết việc thanh lý hiện nay khác xa so với lúc trước đại dịch. Theo ông Jim Schaye, Giám đốc điều hành của công ty thanh lý bán lẻ Eaton Hudson, dù các sản phẩm được giảm giá mạnh từ 40% trở lên thay vì 20% như thông thường khi thanh lý cùng với rất nhiều ưu đãi, doanh thu vẫn kém hơn 25% so với lúc đại dịch mới bắt đầu.
CEO của Eaton Hudson cho hay: "Giống như việc tổ chức một bữa tiệc mà chẳng có ai tới vậy. Mọi người không còn đổ xô đến J.C. Penney hay Lord & Taylor khi có thanh lý. Kể cả khi giá giảm tới 60%, họ vẫn nói rằng: Thế thì sao chứ? Tôi không cần nên sẽ không mua đâu".
Tuần trước, hãng bán lẻ thời trang Gap thông báo sẽ đóng 200 cửa hàng. Ascena Retail Group - công ty mẹ của Ann Taylor, Lane Bryant và Justice - cũng có kế hoạch đóng gần 1.600 cửa hàng trong quá trình đệ đơn phá sản. Chuỗi trung tâm thương mại Lord & Taylor cũng đang thanh lý toàn bộ cửa hàng; Pier 1 Imports, Modell’s, Stage Stores và New York & Co cùng chung cảnh ngộ. Dữ liệu từ Coresight Research cho thấy trong năm nay sẽ có khoảng 25.000 cửa hàng bán lẻ Mỹ phải đóng cửa.
Theo ông Michael McGrail, COO của Tiger Group - một trong các công ty quản lý việc thanh lý cho J.C. Penney, New York & Co. và Modell’s, thông thường một đợt bán thanh lý diễn ra trong 9 tuần nhưng hiện tại các hãng bán lẻ đã kéo dài khoảng thời gian này hơn 30%.
Thực tế thì tốc độ thanh lý cũng còn phụ thuộc vào từng loại mặt hàng, ví dụ như đồ thể thao, nội thất và gia dụng có xu hướng bán nhanh hơn là quần áo, giày dép và trang sức trong thời gian dịch bệnh.
Ông Michael McGrail cho hay: "Đối với những mặt hàng nhất định, khách hàng đã quay trở lại dù không phải 100% đâu. Dịch bệnh không thể xóa sạch sức mua của họ".
JCPenney, tập đoàn bán lẻ 118 tuổi của Mỹ, đã phá sản do dịch COVID-19 (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, mọi thứ cũng đã trở nên phức tạp hơn rồi. Hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp. Kể cả những người có việc làm cũng giảm mức chi tiêu đối với những hàng hóa không thiết yếu. Doanh số các cửa hàng quần áo đã giảm 37% so với năm ngoái. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số hàng điện tử, nội thất và đồ dùng gia đình cũng giảm ở mức hai con số.
Kết quả là các công ty thanh lý phải thay đổi cách thức làm ăn. Thay vì trả trước tiền hàng cho các hãng bán lẻ, họ chuyển sang mô hình trả phí: các hãng bán lẻ sẽ nhận được một phần tiền thu được sau khi việc thanh lý hoàn tất.
Ông Ian Fredericks, Phó Chủ tịch điều hành của tập đoàn bán lẻ Hilco Merchant Resources, chia sẻ rằng các sản phẩm thời trang chuyên biệt như các bộ vest nam đặc biệt khó bán kể cả khi giảm nửa giá.
"Hiện nay người ta không có kiểu đi dạo quanh ngó nghiêng xem hàng nữa. Khi họ đã đến trung tâm thương mại là để mua những món đồ đã được tính trước. Và thời trang chuyên biệt không nằm trong số đó".
Chuỗi trung tâm thương mại Mỹ Lord & Taylor chính thức đóng cửa sau gần 200 năm hoạt động (Nguồn: Reuters)
Chị Lyndsey Fought, nhân viên làm việc bán thời gian tại một cửa hàng, đã tóm tắt lại toàn bộ cảm xúc của những cửa hàng bán lẻ cần thanh lý để đóng cửa trong đại dịch như thế này:
"Thành thật mà nói chúng tôi chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cho xong. Chúng tôi đã rất buồn khi bị mất việc sau 2 tháng rưỡi nghỉ không lương. Rồi cửa hàng lại đóng cửa ư? Tất nhiên là không dễ chịu chút nào".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!