Cảnh sát lấy mẫu máu của nam sinh tại thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: New York Times)
Theo một nghiên cứu mới được Viện Chính sách chiến lược Australia đăng tải, Trung Quốc đã thu thập đủ mẫu để xây dựng một cơ sở dữ liệu ADN khổng lồ từ cuối năm 2017. Với cơ sở dữ liệu này, nhà chức trách có thể truy ra người thân mang giới tính nam của một người đàn ông nhất định chỉ từ máu, nước bọt hoặc chất liệu gen khác. Để làm được việc này, Trung Quốc đã sử dụng thiết bị của Mỹ.
Thermo Fisher, một công ty có trụ sở tại bang Massachusetts (Mỹ), đã bán những bộ xét nghiệm được thiết kế chuyên biệt cho cảnh sát Trung Quốc bất chấp chỉ trích của các nhà lập pháp Mỹ. Dự án này bổ sung vào mạng lưới giám sát tinh vi của Trung Quốc bao gồm camera, hệ thống nhận diện và trí tuệ nhân tạo. Cảnh sát cho biết họ cần cơ sở dữ liệu để truy bắt tội phạm và những người hiến mẫu ADN tỏ ý hoàn toàn hợp tác. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội cảnh báo rằng cơ sở dữ liệu ADN quốc gia có thể xâm phạm quyền riêng tư của người dân.
Gian hàng của công ty Thermo Fisher trong một sự kiện tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: New York Times)
Anh Jiang Haolin, 31 tuổi, cũng từng cho mẫu máu. Anh không có lựa chọn nào khác. Nhà chức trách nói với anh rằng "nếu không đồng ý, gia đình anh sẽ bị liệt vào danh sách đen và không được hưởng phúc lợi xã hội".
Chiến dịch này lan đến cả các trường học. Ở một thị trấn duyên hải phía Nam Trung Quốc, những cậu bé giơ ngón tay nhỏ xíu cho người ta lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi đó khoảng 370km về phía Bắc, cảnh sát đi từ bàn này sang bàn kia để lấy máu của các nam sinh trước cặp mắt tò mò của các nữ sinh.
Tại sao lại thu thập ADN của nam giới?
Chính quyền ở Trung Quốc cho biết họ thu thập các mẫu ADN của nam giới vì một lý do đơn giản: Đàn ông phạm tội nhiều hơn, theo các số liệu thống kê.
Nguyên nhân dẫn đến dự án này có thể truy ngược lại từ tình hình tội phạm ở khu tự trị Nội Mông. Trong gần ba thập kỷ, cảnh sát ở đây đã điều tra các vụ cưỡng hiếp và giết hại 11 phụ nữ và thiếu nữ, có nạn nhân mới chỉ 8 tuổi, họ đã thu thập 230.000 dấu vân tay và đối chiếu hơn 100.000 mẫu ADN. Đến năm 2016, họ bắt giữ một người đàn ông với tội danh hối lộ. Khi phân tích gien, họ phát hiện người này có liên quan tới kẻ đã để lại ADN ở hiện trường một vụ giết người hồi năm 2005. Đối tượng sau đó đã nhận tội và bị pháp luật nghiêm trị. Vụ việc này đã làm dấy lên những lời kêu gọi cần có một cơ sở dữ liệu ADN của nam giới.
Cảnh sát tỉnh Hà Nam đã cho thấy việc này là khả thi sau khi thu thập mẫu của 5,3 triệu nam giới, chiếm khoảng 10% dân số nam giới của tỉnh này từ năm 2014-2016. Vào tháng 11/2017, Bộ Công an Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch về một cơ sở dữ liệu quốc gia. Tiến sĩ Emile Dirks, tác giả bản báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Australia, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy mô hình này hiện mở rộng tới những phần còn lại của Trung Quốc theo một cách mạnh mẽ mà tôi chưa từng chứng kiến".
Theo báo cáo, ước tính nhà chức trách đặt mục tiêu thu thập mẫu ADN của 35-70 triệu nam giới, bao gồm cả trẻ em, tức là khoảng từ 5-10% dân số nam giới của Trung Quốc. Họ không cần thu thập mẫu của tất cả nam giới, bởi từ mẫu ADN của một người có thể xác định gien của những họ hàng nam giới liên quan.
Cảnh sát lấy mẫu máu tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: New York Times)
Để ước tính quy mô của dự án này, Viện Chính sách chiến lược Australia đã nhìn vào tỷ lệ thu thập mẫu tại 10 tỉnh thành của Trung Quốc và nghiên cứu các đơn mua bộ xét nghiệm ADN mà Thermo Fisher là một trong các nhà cung cấp. Công ty này cho biết các bộ xét nghiệm ADN của mình đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, và họ cũng nhận thức được "tầm quan trọng của việc cân nhắc những sản phẩm, dịch vụ của mình được khách hàng sử dụng như thế nào". Thermo Fisher bổ sung thêm: "Chúng tôi tự hào được góp phần vào công nghệ xác định ADN, từ truy dấu tội phạm cho đến ngăn chặn buôn người và mang lại công bằng cho những người bị buộc tội sai".
Câu hỏi về quyền riêng tư
Tuy nhiên, theo các nhà đạo đức y tế và hoạt động xã hội, cơ sở dữ liệu này có thể trở thành công cụ kiểm soát xã hội. Vào tháng ba vừa qua, giới chức thị trấn Guanwen ở Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên cho biết rằng các mẫu máu nam giới mà họ thu thập được sử dụng cho một dự án mang tên Sharp Eyes, một chương trình giám sát khuyến khích người dân nông thôn tố cáo hàng xóm của mình. Anke Bioengineering, một công ty công nghệ sinh học tại phía Đông tỉnh An Huy, lại sử dụng cơ sở dữ liệu ADN của nam giới để xây dựng "DNA Skynet" - một hệ thống giám sát kết hợp cả video lẫn dữ liệu lớn.
Vào năm 2015, phó giám đốc Viện Pháp y của Bộ Công an Trung Quốc Liu Bing từng cảnh báo rằng việc lấy mẫu máu "theo phương pháp không phù hợp" có thể gây ra bất ổn xã hội, đặc biệt "trong bối cảnh công dân ngày càng nhận thức được quyền của mình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!