Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AP)
Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh, Thủ tướng Modi cho biết, G20 mời Liên minh châu Phi gia nhập khối với tầm nhìn dài hạn. Trong năm 2022, GDP của Liên minh châu Phi đạt khoảng 3.000 tỷ USD. Trên cương vị Chủ tịch G20 năm nay, Ấn Độ mong muốn sẽ thúc đẩy tạo ra được một chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả và đáng tin cậy, với sự tham gia của các nền kinh tế giàu tiềm năng, trong đó có Liên minh châu Phi.
Tháng 12/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thể hiện mong muốn Liên minh châu Phi sẽ trở thành thành viên thường trực của G20 và tin tưởng điều này sớm thành hiện thực.
Hiện mới chỉ có Nam Phi là đại diện châu Phi duy nhất tham gia G20.
Vào tháng 6/2023, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi một bức thư tới tất cả các nước thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đề nghị công nhận tư cách thành viên đầy đủ với Liên minh châu Phi.
Tiến trình có thể được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào tháng 9 tới tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Ấn Độ khẳng định ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy vận động cho châu Phi và đã đi đầu trong vấn đề này. New Delhi cho rằng đây sẽ là bước đi đúng đắn hướng tới một nền tảng quản trị và kiến trúc toàn cầu công bằng, toàn diện và mang tính đại diện hơn.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình, Ấn Độ luôn khẳng định tin tưởng mạnh mẽ vào việc các nước Nam bán cầu cần có tiếng nói lớn hơn trên những diễn đàn quốc tế, đặc biệt là các nước châu Phi. Trong năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Modi đặc biệt tập trung vào việc kết hợp những ưu tiên của các nước châu Phi trong chương trình nghị sự của G20.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!