Trung tâm cổ sinh vật học địa phương đã tổ chức một cuộc khai quật hóa thạch và mở cửa cho các đối tượng quan tâm. Đây là một hoạt động đặc biệt mà trước đây vốn chỉ dành cho các nhà khoa học chuyên ngành.
Đeo kính lúp, cẩn thận kiểm tra những mẫu đất đá, các tình nguyện viên đang tìm kiếm hóa thạch của loài khủng long có tên là Sauropod, được cho là sống tại vùng đất này khoảng 100 triệu năm trước. Công việc này yêu cầu sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Những tình nguyện viên tham gia tìm hóa thạch khủng long đến từ nhiều nơi ở Australia và có điểm chung là rất yêu thích hoạt động mới mẻ này.
Bà Jennie Hapgood, người tham gia hoạt động khai quật hóa thạch, nói: "Không nhất thiết phải là tôi, nếu ai đó ở bàn bên cạnh phát hiện ra một thứ gì đó trong đống đất, tôi cũng rất phấn khích".
Ông Tim Frauenfeld, sinh viên tại Australia, cho biết: "Tôi đến đây lần đầu tiên vào năm 2014, tôi đã tìm thấy một chiếc răng khủng long. Và kể từ thời điểm đó, tôi đã cảm thấy đây là thứ mà tôi muốn nghiên cứu".
Khủng long Sauropod có chiều dài khoảng 11 mét và nặng 4,2 tấn. (Ảnh: ABC News)
Trung tâm khảo cổ học Australia đánh giá cao ý tưởng chiêu mộ tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Bất kỳ phát hiện đặc biệt nào, như xương ngón chân khủng long này, sẽ được trung tâm giữ để nghiên cứu thêm.
Bà Jenni Brammall, nhà cổ sinh vật học tại Australia, chia sẻ: "Chúng tôi hướng dẫn họ về những gì họ cần tìm và cách sàng lọc mẫu vật, sau đó chúng tôi cứ thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy họ reo lên là thấy xương rồi".
Đối với nhiều tình nguyện viên, hoạt động đặc biệt này mở ra không gian cho họ giao lưu với nhiều người có cùng sở thích và qua đó có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của ngành cổ sinh vật học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!